Các chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc thận trọng. Ngưỡng nợ thuế quá thấp khiến người dân và doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ thuế với trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Dự kiến có 380.000 cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết hiện nay dự thảo nghị định đưa ra ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên.
Còn doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi tắt là doanh nghiệp) có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Để cá nhân không bất ngờ về việc bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế.
Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan thuế sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo áp dụng biện pháp này mà doanh nghiệp, cá nhân chưa nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện biện pháp này.
Nếu phương án này được áp dụng, Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
Thông tin thêm về việc thu hồi nợ đọng tiền thuế, Tổng cục Thuế nhấn mạnh rằng thực tế rất nhiều trường hợp nợ chây ỳ, dù có khả năng nộp mà không nộp, đến khi tạm hoãn xuất cảnh mới nộp thuế.
Việc để ngưỡng nợ lớn sẽ để lọt những trường hợp chây ỳ. Do vậy ngưỡng nợ cần phải phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ đọng, tránh nợ đọng dây dưa kéo dài khó thu hồi. Đồng thời thời gian nợ là 120 ngày là hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Trong tờ trình dự thảo nghị định, Bộ Tài chính giải thích theo quy định hiện hành, với người nộp thuế có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, thông thường cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc người nộp thuế như gửi thông báo nợ cho người nộp thuế (ba kỳ thông báo), áp dụng biện pháp cưỡng chế (trích tiền từ tài khoản/phong tỏa tài khoản/khấu trừ tiền lương, thu nhập/dừng thủ tục hải quan), công khai thông tin…
Bên cạnh đó nhóm nợ có thời gian nợ từ 120 ngày trở lên cũng đã được phân loại thành nhóm nợ theo dõi riêng và đảm bảo đáp ứng trên ứng dụng quản lý thuế để cơ quan thuế có thể triển khai thực hiện ngay khi nghị định ban hành.
Ngưỡng nợ thuế quá thấp
Tuy nhiên góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế về ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất Bộ Tài chính nâng ngưỡng nợ thuế bị hoãn xuất cảnh mức 1 tỉ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Bởi nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất 10 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp là quá thấp.
Để đạt mục tiêu thu hồi nợ đọng, VCCI khuyến nghị cần ưu tiên áp dụng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, trước khi tính đến biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân.
Còn việc hạn chế cấm xuất cảnh chỉ nên được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.
Nếu áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế nói chung và làm giảm số thu về dài hạn cho ngân sách.
Cùng quan điểm này, trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng chỉ nên áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh với tối đa 10% số người nợ thuế để đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định.
Đồng tình với mức nợ thuế bị hoãn xuất cảnh 200 triệu đồng với cá nhân, nhưng mức nợ thuế đối với doanh nghiệp thì Bộ Tài chính nên cân nhắc thận trọng ngưỡng nào cho phù hợp.
Ông Tú gợi ý cần quy định theo quy mô doanh nghiệp. Với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ngưỡng nợ thuế là 500 triệu – 1 tỉ đồng thì người đại diện pháp luật mới bị tạm hoãn xuất cảnh.
Còn với doanh nghiệp lớn, có nợ trên 3 – 5 tỉ đồng, với các tập đoàn kinh tế lớn nợ thuế phải vài chục tỉ đồng trở lên thì mới bị tạm hoãn xuất cảnh. Với thời gian nợ thuế, theo ông Tú, mức 120 ngày là quá ngắn nên nới thêm lên 180 ngày để doanh nghiệp xoay xở làm ăn, kinh doanh để trả nợ.
Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu về việc áp dụng hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Thực tế có nhiều trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chỉ là người lao động được thuê để điều hành.
Nên với nội dung dự thảo nghị định, họ bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế, dù thực chất họ không có quyền quyết định tài chính của công ty.
Nội dung này nếu được áp dụng sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cá nhân người đại diện mà còn tạo ra sự thiếu công bằng trong việc thực thi pháp luật kiểu “quýt làm cam chịu”.
Đồng thời Bộ Tài chính nên nghiên cứu ngưỡng nợ thuế theo quy mô của doanh nghiệp. Như doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp lớn thì phải có mức khác nhau.
Nếu chỉ đưa ra cào bằng một mức sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ.