Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái) là hình thức sinh hoạt cộng đồng mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm, Lễ hội đình Vạn Ninh vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ðình Vạn Ninh ở thôn Trung, xã Vạn Ninh được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15 để thờ Lý Thường Kiệt. Tương truyền, trên đường tiến đánh quân Tống bảo vệ đất nước, Lý Thường Kiệt đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thủy quân. Người Vạn Ninh tự hào và để tưởng nhớ công lao của ông đã xây dựng đình, tôn thờ Lý Thường Kiệt làm Thành hoàng làng. Sau đó, đình còn phối thờ vua Trần Nhân Tông, vua Lê Thái Tổ, Hưng Ðạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tướng Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Giác Hải. Ðình Vạn Ninh đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011.
Lễ hội đình Vạn Ninh được tổ chức trong hai ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm và là lễ hội khai xuân, mở màn cho chuỗi các lễ hội truyền thống trên địa bàn TP Móng Cái. Năm 2023, lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội duy nhất của TP Móng Cái có thực hành 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là di sản lễ hội đình và di sản diễn xướng dân gian hát nhà tơ, hát – múa cửa đình.
Ông Trần Văn Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, cho biết: Lễ hội đình có nhiều nội dung phong phú gồm cả phần lễ và phần hội. Trong đó, nghi lễ rước thần từ khu vực Ðồng Hà (còn gọi là gò Nghênh Thần) về đình theo nghi lễ truyền thống mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của cư dân Vạn Ninh. Bên cạnh phần nghi lễ, phần hội cũng có nhiều trò chơi dân gian phong phú như: Nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, kéo co, đá bóng… thường thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham quan.
Ðiểm đáng chú ý nhất trong Lễ hội đình Vạn Ninh phải kể đến một lối hát dân gian rất nổi tiếng mà người dân thường gọi là hát nhà tơ, hát – múa cửa đình còn gọi là hát chầu thần hay hát chúc thần. Người hát là nữ thường đứng để hát ở cửa đình, có trống chầu và đàn đáy hỗ trợ. Hát cửa đình gắn liền với tục thờ Thành hoàng làng của người Việt. Loại hình nghệ thuật này là một biến thể của ca trù, được coi là phần hồn của lễ hội, là nét văn hóa riêng có ở vùng đất ven biển Quảng Ninh.
Lễ hội đình Vạn Ninh là lễ hội mang đặc trưng miền biển nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và cầu cho năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Ðồng thời giáo dục ý thức người dân bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Hiện nay, Lễ hội đình Vạn Ninh được duy trì hàng năm và ngày càng mở rộng quy mô, trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân vùng ven biển Vạn Ninh mang đầy đủ những nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, được coi là một trong những “cột mốc văn hóa” khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu đông bắc của Tổ quốc.