Bằng những cơ chế, chính sách, cùng nhiều cách làm hiệu quả, Quảng Ninh đang tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, với mục tiêu để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Năm học 2024-2025, Trường Mầm non Quảng La (TP Hạ Long) sẽ được đầu tư xây dựng bổ sung thêm các phòng học, phòng chức năng, cùng công trình hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ cho 3 điểm trường là điểm trung tâm, điểm Xóm Mới và điểm trường tổng hợp. Tổng mức đầu tư 14,3 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ II, góp phần xây dựng xã Quảng La đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng La, cho biết: Việc nhà trường được đầu tư xây mới phòng học và các công trình phụ trợ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, đồng thời mang đến một môi trường học tập, vui chơi tốt hơn cho các con, để mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui.
Bên cạnh sự đầu tư về giáo dục, tại nhiều địa bàn nông thôn, các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, thiết chế văn hóa… cũng được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển sản xuất, sinh hoạt. Cuối năm 2023, dự án cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuyến đường có tổng chiều dài trên 43km, mặt đường thảm nhựa rộng 5,5m, đi qua 3 xã Húc Động, Hoành Mô, Đồng Văn (huyện Bình Liêu) và được chia thành 2 tuyến (tuyến Húc Động – Đồng Văn dài 28,82km; tuyến Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C dài 14,45km).
Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường không chỉ tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, mà còn thúc đẩy phát triển KT-XH tại các địa bàn vùng cao, khó khăn của huyện Bình Liêu. Bà Trần Thị Ngân (thôn Pò Đán, xã Húc Động) phấn khởi cho biết: Những năm trước việc đi lại rất khó khăn, giờ có đường mới, cầu mới, đi lại thuận lợi hơn, các cháu nhỏ đi học cũng không lo mưa ngập, đường trơn nữa. Giờ có con gà, con lợn hay ít hoa hồi, nhựa thông đi bán cũng dễ hơn.
Cùng với sự quan tâm, đầu tư về hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất, thời gian qua, Quảng Ninh cũng đang tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh, nhất là việc giải quyết những vấn đề bức thiết liên quan đến dân sinh như nhà ở, nước sinh hoạt… Trong đó, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh được triển khai mạnh mẽ hoàn thành dứt điểm vào cuối năm 2023 vừa qua là minh chứng tiêu biểu cho quan điểm “Để mỗi người dân đều được sống hạnh phúc, thụ hưởng thành quả của phát triển KT-XH”.
Thực hiện chương trình này, toàn tỉnh đã huy động gần 33 tỷ đồng với sự vào cuộc của MTTQ cùng các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ xây mới, sửa chữa 441 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn an cư, lạc nghiệp. Bà Trần Thị Bích (thôn 4, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) cho biết: Cuối năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng căn nhà mới, khang trang, kiên cố hơn. Bà con lối xóm hỗ trợ vật liệu, tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Nỗi lo mỗi khi mưa bão về đã không còn nữa, ước mơ của gia đình tôi nay đã thành hiện thực nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể.
Để nâng cao mức sống cho nhân dân, nhất là các hộ dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 với mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định chuẩn nghèo của Trung ương hiện nay.
Cùng với đó tỉnh đã phân bổ trên 255 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Chính sách này sẽ giúp Quảng Ninh mở rộng diện bao phủ giúp những người khó khăn, yếu thế tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu tại địa phương, giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.