Chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để xây dựng phương án xử lý kịp thời với phương châm “đi trước một bước”. Đây là những giải pháp được ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện, nhằm bảo đảm phục vụ sản xuất và an toàn cho nhân dân trước thời tiết diễn biến phức tạp.
Trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 16 công trình hồ đập; 57 cầu/đập tràn phân bố ở 7 xã; hơn 42,4 km đê cấp IV và cấp V. Theo thống kê của huyện, bão số 3 đã làm 68 công trình cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Ngay sau bão huyện đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, hồ chứa nước, đập tràn trên địa bàn; kịp thời đưa ra các phương án sửa chữa và bố trí nguồn kinh phí, để đảm bảo an toàn cho người dân, hoa màu, cơ sở sản xuất…
Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão gây ra đối với hệ thống thủy lợi của huyện là hơn 54 tỉ đồng. Đến thời điểm này, nhiều hạng mục đã hoàn thành, công tác khắc phục vẫn đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình đê điều bị hư hại. Hệ thống hồ đập của huyện không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện luôn quán triệt tinh thần không chủ quan bởi các loại hình thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng khó lường.
Bên cạnh rà soát, gia cố, bảo vệ các công trình thủy lợi hiện có, huyện cũng chủ động trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi trong những năm tiếp theo. UBND huyện đã đề xuất danh mục dự án ngành NN&PTNT đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2024-2025 với Dự án xây dựng đập dâng và hệ thống dẫn nước hồ Cái Giá (xã Hải Lạng); Giai đoạn 2026-2030 với Dự án Hồ chứa nước Bình Sơn (xã Đông Ngũ); Dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đê thôn Hà Tràng Tây (xã Đông Hải).
Theo lãnh đạo huyện Tiên Yên, hiện nay, nguồn nước cấp cho các hoạt động sản xuất, chăn nuôi trong khu vực xã Đông Ngũ, Đông Hải chủ yếu từ sông Hà Thanh, và một số suối nhỏ. Một số công trình thủy lợi nhỏ đã được huyện đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt; chưa có các hồ chứa dự trữ nước trong mùa mưa lũ hoặc hanh khô, gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Chính vì vậy, đây là những công trình có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết đối với cuộc sống, các hoạt động sản xuất, kinh tế – xã hội của nhân dân; đảm bảo nguồn nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân, hạn chế thiên tai lũ lụt trên địa bàn xã; đáp ứng nguồn nước phục vụ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp trong tương lai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được quy hoạch xây dựng trên địa bàn xã Đông Ngũ, xã Đông Hải.
Toàn tỉnh hiện có 188 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3. Sau bão số 3, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã và đang nhanh chóng triển khai các kế hoạch, giải pháp để duy tu, nâng cấp các công trình. Trong đó, Hồ Yên Lập nằm trên địa bàn TX Quảng Yên là công trình thủy lợi có dung tích chứa lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh với 127,5 triệu m3 nước.
Ông Bùi Đức Việt, Trưởng phòng Giám sát công trình, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, cho biết: Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhưng cơ sở hạ tầng hồ Yên Lập vẫn cần được nâng cấp để ứng phó với thiên tai cực đoan. Công ty đã đề xuất lắp thêm một số thiết bị đo mưa ở trong lưu vực hoàn lưu để kết hợp với hệ thống radar, nhờ vậy sẽ cảnh báo được lượng nước về hồ chính xác nhất, có phương án điều tiết tràn xả lũ hợp lý hơn. Ngoài ra, nghiên cứu điều chỉnh, sửa chữa 1 đập thành đập tràn tự do, để hỗ trợ việc tràn xả lũ của hồ Yên Lập trong trường hợp mực nước lũ gia cường.
Trong khi đó, nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh sau khi được nâng cấp, hiện nay đã tăng khả năng chống chịu bão lên cấp 9, số còn lại khả năng chống bão từ cấp 6-8. Đê Hà Nam (TX Quảng Yên) là tuyến duy nhất của tỉnh đạt tiêu chuẩn đê cấp III, có khả năng chống bão cấp 10. Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, trước hiện tượng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, lãnh đạo tỉnh đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án Nâng cao an toàn hệ thống đê điều tỉnh, để chủ động ứng phó các cơn siêu bão như Yagi trong tương lai. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều hàng năm. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp với đặc thù riêng, bố trí nguồn lực, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng của người dân.