Tính đến ngày 28/3/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Quảng Ninh là 14.693.338 triệu đồng, cao hơn 325.618 triệu đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm.
Trong đó số vốn đã phân khai chi tiết là: 14.679.847 triệu đồng; vốn chưa phân khai chi tiết là 13.491 triệu đồng, chiếm 0,09% tổng kế hoạch; giải ngân được 1.029.995 triệu đồng, đạt 7% kế hoạch vốn và đạt 7,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (9%). Có 9/22 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh, gồm: Ban QLDA đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp: 22%; UBND TX Đông Triều: 15,3%; UBND huyện Đầm Hà: 13,4%; UBND huyện Cô Tô: 13,6%; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh: 12,2%; UBND huyện Tiên Yên: 8,7%; Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông: 8,8%; UBND huyện Vân Đồn: 8,6%; UBND TP Uông Bí: 8,4%. Đến nay, các dự án khởi công mới được đẩy nhanh tiến độ, đã có 9/13 dự án khởi công mới đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2024 đạt tối thiểu 50%, đến 30/9/2024 đạt tối thiểu 80% và đến 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm.
Để đạt mục tiêu này, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình, đảm bảo phát huy hiệu quả sau đầu tư; coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí Tỉnh ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, sở, ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Kiên quyết khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư. Các dự án giai đoạn 2021-2023 chậm tiến độ phải hoàn thành dứt điểm trong năm 2024; tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án khởi công mới giai đoạn 2024-2025. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng, thanh quyết toán vốn; thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng quá hạn. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “lợi ích nhóm”, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong lĩnh vực đầu tư công.
UBND tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm cá nhân; chủ động triển khai, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, hiệu quả đúng quy định. Đặc biệt, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo đánh giá hiệu quả thực hiện hàng tuần/tháng/quý và cả năm 2024. Trong đó, phải cụ thể, cá thể hoá trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc lạm dụng lấy ý kiến nhằm mục đích đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời thay thế những cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, trách nhiệm, năng lực yếu để trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
UBND tỉnh cũng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm các chủ đầu tư và cơ quan chủ quản trong tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tình trạng “đầu năm ghi vốn – giữa năm điều vốn – cuối năm trả vốn”, đồng thời đây cũng là cơ sở để kiểm đếm, đánh giá khách quan trách nhiệm của từng đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong từng khâu triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Song song với đó, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan tham mưu, triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng, vị trí đổ thải; khó khăn về giải phóng mặt bằng… Đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh xử lý những bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, công trình cụ thể, giải quyết nhanh gọn, đúng quy định các thủ tục hành chính liên quan, kiên quyết không để tình trạng đùn đẩy giữa các cơ quan, địa phương.
Trong thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tới công tác đầu tư công, Quảng Ninh nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ thực thi công vụ trên phương châm 6 dám (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách). Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về kết quả phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình. Sở Nội vụ được giao giám sát kết quả thực thi công vụ đối với lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có liên quan, đề xuất phương án xử lý các trường hợp vi phạm thời hạn, chất lượng sản phẩm công tác và không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh.