Tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, đã khẳng định “Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện”. Như vậy, vai trò của người dân là cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng NTM.
Niềm vui từ thành quả trong xây dựng NTM về trên khắp các vùng quê của Quảng Ninh. Nhiều vùng đất khó xưa kia nay đã khoác trên mình chiếc áo mới nhờ chương trình xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, khang trang. Nhiều diện tích đất trồng không hiệu quả kinh tế giờ đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp hơn với tập tục canh tác, thổ nhưỡng khí hậu, đưa giống mới cho năng suất cao, giúp người nông dân thu nhập mỗi ngày một tăng cao. Có được kết quả đáng khích lệ trên là nhờ phát huy hiệu quả vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia tích cực của người dân địa phương trong xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai, huyện đã xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của người dân trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM. Và thực tế thời gian qua người dân đóng vai trò là lực lượng chính trực tiếp tham gia xây dựng NTM, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Người dân là chủ thể trực tiếp quyết định, tổ chức giám sát các hoạt động trong xây dựng NTM và hưởng lợi thành quả trong xây dựng NTM.
Hiệu ứng lan toả từ vai trò chủ thể của người dân đang ngày càng phát huy ở khắp các vùng quê, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu tưởng chừng khó có thể thực hiện được nhưng khi người dân vào cuộc, những việc khó đều được hoá giải và mang đến thành công. Ví dụ như tuyến đường đang được huyện Bình Liêu thi công tại xã Hoành Mô. Tuyến đường này có chiều dài hơn 3,7km, chiều rộng mặt đường trên 5m, được đầu tư theo hai giai đoạn và giai đoạn 1 có tổng đầu tư trên 15 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Theo đó, số tiền trên 15 tỷ đồng chỉ dành cho việc xây lắp, không có cho việc giải phóng mặt bằng. Trong khi, số diện tích đất phải thu hồi của người dân để triển khai tuyến đường này là rất lớn và chủ yếu là đất rừng sản xuất. Chính vì vậy, khi bắt đầu triển khai, cấp ủy, chính quyền xã vận động tuyên truyền, thuyết phục người dân trực tiếp hoặc thông qua chi bộ, già làng trưởng bản có uy tín, họ hàng, dòng tộc để tạo ra những hiệu ứng lan tỏa trong thôn, trong xã. Nhờ đó, người dân đã tích cực hưởng ứng tham gia hiến đất, hiến cây để việc thi công tuyến đường được thuận lợi.
Cũng như Chương trình xây dựng NTM, có được thành công của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, trước hết phải khẳng định vai trò của người dân chính là động lực để các sản phẩm nông nghiệp đó trở thành sản phẩm hàng hoá.
Với chính sách thu hút đầu tư của Quảng Ninh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, năm 2010, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc được thành lập. Ngày đầu đi vào hoạt động, Công ty cũng gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm chưa có, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp… Vậy nên, để hoá giải những khó khăn thực tại thành cơ hội thì hàng loạt các giải pháp đã được Công ty triển khai một cách bài bản. Theo đó, Công ty tiến hành trồng các loại cây như ba kích, giảo cổ lam, đinh lăng, cà gai leo, diệp hạ châu, dây thìa canh, hoài sơn… với diện tích trên 20ha và sau đó Công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra. Đến nay, Công ty đã có 15 sản phẩm, trong đó 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh 4 sao, 2 sản phẩm đã được gửi đi thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương.
Có thể nói, trong xây dựng NTM thời gian qua, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức chung tay của cộng đồng doanh nghiệp thì vai trò chính vẫn là người nông dân. Bởi lẽ, người nông dân đã hiểu được mình là chủ thể, tự đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để thoát nghèo và làm giàu.
Và bài học lấy nhân dân làm gốc, lấy nông dân làm chủ thể trong xây dựng NTM đã được Quảng Ninh vận dụng sáng tạo trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất… Các công việc đó được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của chính người dân, từ đó người dân thấy rõ lợi ích của mình và tích cực tham gia xây dựng NTM.