Thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ở Quảng Ninh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Kết luận số 62-KL/TW (ngày 8/12/2009) của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội và Thông báo số 160-TB/TW (ngày 15/1/2020) của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW.
Trước yêu cầu đặt ra đối với MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tình hình mới, ngày 22/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh, gắn đổi mới công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, nhất là thực hiện mô hình “Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội” cấp tỉnh, cấp huyện và thực hiện mô hình khối dân vận cấp xã.
Chỉ thị đã đề cập cần chú trọng đến đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên phát triển tổ chức; đồng thời đổi mới, nâng cao tính hiệu quả, thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động, phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân trong thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh, của địa phương, nổi bật là chương trình xây dựng NTM, thực hiện công tác GPMB, tham gia xây dựng hệ thống chính trị.
Trong 10 năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội của Quảng Ninh đã phát triển mới trên 47.534 đoàn viên, hội viên. Trong đó, Hội Nông dân phát triển 4.534 hội viên; Hội CCB có 9.138 hội viên; Hội LHPN có 16.906 hội viên; LĐLĐ có 16.956 hội viên.
Với vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh thường xuyên tham dự các cuộc tiếp công dân định kỳ, phối hợp với UBND các cấp tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, phối hợp với các ngân hàng cho hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác an sinh xã hội. Hiện Đoàn Thanh niên có dư nợ vốn vay 363 tỷ đồng cho 2.369 thanh niên vay vốn qua 923 dự án; Hội Nông dân có dư nợ cho vay đạt 1.800 tỷ đồng, với 28.852 hộ; LĐLĐ hỗ trợ vốn cho 10.000 công nhân, viên chức, lao động nghèo với tổng số tiền 200 tỷ đồng; Hội CCB cho hội viên vay không tính lãi với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng; Hội LHPN có dư nợ cho vay đạt trên 2.000 tỷ đồng với 34.692 hộ vay.
Cụ thể hóa các quyết định của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong giai đoạn 2013-2023, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội của Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 150 cuộc giám sát.
Các cuộc giám sát được chú trọng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đột xuất, thường xuyên, không báo trước, thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản nhằm mở rộng hình thức, đa dạng hóa cách làm, cách triển khai thực hiện; nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Sau giám sát, đã kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập, rà soát chính sách phù hợp, đáp ứng tình hình, góp phần giữ ổn định và phát triển KT-XH ở địa phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã tổ chức 73 cuộc phản biện xã hội, lấy ý kiến đóng góp trên các trang tin điện tử, nhóm zalo với 106.540 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn kiện, dự thảo báo cáo chính trị của đại hội đảng các cấp, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai (sửa đổi), các chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH của địa phương.
Nội dung góp ý, phản biện chủ yếu xem xét sự phù hợp của dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tính đúng đắn, khoa học, khả thi trong thực tiễn, liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nhiều nội dung góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý…
Từ những kết quả đạt được trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh văn minh, hiện đại, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc như ngày hôm nay.