Sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục hạn chế như nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, thiếu nội dung chính trị, tư tưởng cụ thể; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình, phê bình yếu, ý thức tổ chức, kỷ luật yếu kém; tinh thần đoàn kết và tình thương yêu đồng chí bị giảm sút.
Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, yêu cầu căn cứ chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ, mỗi quý ít nhất một lần chi bộ tổ chức sinh hoạt theo các nhóm vấn đề sau: Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; về các giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ; về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa ở địa phương, cơ quan, đơn vị; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, chi bộ,…
Như vậy, sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề là một yêu cầu, đồng thời là điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chi bộ.
Đánh giá một cách khách quan, trong thời gian qua việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ cơ bản đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng kế hoạch, chương trình, nghị quyết đề ra. Các buổi sinh hoạt chuyên đề đảm bảo các nội dung cơ bản như lời dẫn, tham luận và thu hút được sự quan tâm, góp ý, chia sẻ của đảng viên. Bài tham luận và các ý kiến thảo luận cơ bản tập trung vào chủ đề sinh hoạt để làm rõ những mặt được, chưa được của chủ đề sinh hoạt. Đặc biệt, các ý kiến thảo luận đều có tính thực tiễn cao, gắn trực tiếp với nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cơ quan và những vấn đề theo gợi ý của Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề đã góp phần nâng cao lập trường tư tưởng, chính trị cho đảng viên, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của đơn vị, chi bộ. Đồng thời, giúp nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong cuộc họp, giúp đảng viên phải chú ý rèn luyện kỹ năng giao tiếp và kỹ năng viết bài, kỹ năng thuyết trình. Đây cũng là dịp để đồng chí đồng nghiệp cởi mở thẳng thắn trong trao đổi, tạo môi trường dân chủ, phát huy năng lực của mỗi đảng viên.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận việc sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ vẫn còn một số hạn chế nhất định như chủ đề sinh hoạt chưa tập trung vào phân tích, lý giải những vấn đề còn bất cấp tại cơ quan, đơn vị, vì vậy dẫn đến nội dung thảo luận còn mang tính chung chung. Các chuyên đề lựa chọn sinh hoạt vẫn chưa thực sự phong phú, chất lượng một số bài tham luận chưa cao do đảng viên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu viết bài, cũng có đảng viên thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị tham luận còn tâm lý qua loa, đối phó, làm cho xong. Một số buổi sinh hoạt chuyên đề vẫn chưa huy động được ý kiến tham gia của tất cả đảng viên; thậm chí tại một số chi bộ tổ chức sinh hoạt chi bộ chuyên đề còn mang tính hình thức,… Do đó, làm giảm chất lượng của buổi sinh hoạt chuyên đề.
Để các buổi sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ thực sự trở thành buổi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa, chất lượng, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, cần tập trung vào một số biện pháp.
Cụ thể: Xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo đúng quy định Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW; phải được triển khai từ đầu năm, ngay sau khi có chương trình công tác của chi bộ. Kế hoạch phải đảm bảo ít nhất một năm 4 kỳ sinh hoạt theo chuyên đề. Để đảm bảo chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ cần có dự thảo phân công đảng viên chuẩn bị tham luận, đề dẫn ngay từ khi xây dựng kế hoạch để các đảng viên có sự chủ động và có nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề xoay quanh chủ đề sinh hoạt, có như vậy mới nâng cao chất lượng các bài viết tham luận, góp phần nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt chuyên đề.
Chuẩn bị, lựa chọn chủ đề sinh hoạt phải sát với thực tế nhiệm vụ của chi bộ, của cơ quan. Bên cạnh những chủ đề được gợi ý tại Hướng dẫn số 12, việc chọn chủ đề xuất phát từ chính những tồn tại, hạn chế của đảng viên và chi bộ trên cơ sở yêu cầu công việc, để từ đó giao cho các đảng viên nghiên cứu, tự học, tự tìm hiểu, tự nhận biết vấn đề tồn tại, hạn chế của mình là do nguyên nhân gì và cần đưa ra giải pháp gì để khắc phục. Chi bộ thảo luận thông qua đề cương, họp bàn thống nhất chủ đề sinh hoạt cho phù hợp. Đảng viên được phân công chuẩn bị tham luận phải nghiên cứu kỹ, xây dựng đề cương chi tiết, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan một cách đầy đủ nhất để xây dựng tham luận, chuẩn bị thảo luận trong buổi sinh hoạt.
Tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề đúng hướng dẫn, đúng quy định, nghiêm túc và hiệu quả. Theo kế hoạch sinh hoạt chuyên đề cụ thể từng quý, đảng viên được phân công phải chuẩn bị đề cương, nội dung, bí thư chi bộ phải kiểm duyệt và cung cấp bản dự thảo cho các đảng viên trong chi bộ nghiên cứu trước, chủ động chuẩn bị để tham gia đóng góp ý kiến trong buổi sinh hoạt. Trong buổi họp, đảng viên được phân công chuẩn bị trình bày báo cáo trước chi bộ, sau đó thảo luận; các đảng viên trong chi bộ cùng tham gia góp ý, xây dựng, đề xuất giải pháp và bí thư chi bộ kết luận buổi sinh hoạt. Việc chủ động tìm đọc các tài liệu liên quan, chuẩn bị nội dung của từng đảng viên và tích cực tham gia thảo luận sẽ nâng cao trách nhiệm của đảng viên, góp phần nâng cao trình độ của đảng viên và tính hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ.
Đa dạng hình thức sinh hoạt chuyên đề đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để làm tăng sự sinh động, tính hấp dẫn cho buổi sinh hoạt chuyên đề, thu hút sự tập trung chú ý của đảng viên, chi ủy và người bí thư chi bộ cần có sự chỉ đạo sát sao về đa dạng các hình thức sinh hoạt. Chẳng hạn như, có buổi sinh hoạt sử dụng trình chiếu video liên quan đến chủ đề sinh hoạt, yêu cầu các đảng viên chuẩn bị các slide cho bài tham luận, các hình ảnh minh họa phù hợp nội dung sinh hoạt,…
Đồng thời, Bí thư chi bộ kịp thời biểu dương đảng viên tích cực và thẳng thắn phê bình đối với đảng viên chưa tích cực. Cuối buổi sinh hoạt, bí thư chi bộ cần nhận xét, đánh giá chi tiết, cụ thể những ưu, khuyết điểm của đảng viên được phân công chuẩn bị các nội dung của buổi sinh hoạt chuyên đề. Biểu dương các đảng viên có tinh thần trách nhiệm, ý thức tốt đối với các nhiệm vụ được phân công. Đây là một cách nêu gương vừa thể hiện sự ghi nhận, động viên của chi bộ, vừa tạo động lực cho các đảng viên khác nỗ lực thi đua, sáng tạo, tâm huyết với những nhiệm vụ mà chi bộ giao cho. Đồng thời, cần thẳng thắn, nghiêm túc nhắc nhở, phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ trước chi bộ đối với những đảng viên chưa thật sự nỗ lực, cố gắng.
Cuối cùng, rút kinh nghiệm, đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt và trách nhiệm đảng viên sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề. Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên được phân công chuẩn bị tham luận cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các đảng viên trong chi bộ để hoàn chỉnh chuyên đề, tiếp tục nghiên cứu thêm các vấn đề đã đặt ra tại buổi sinh hoạt. Chi bộ họp rút kinh nghiệm buổi sinh hoạt, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để buổi sinh hoạt sau đạt kết quả tốt hơn; đồng thời tham gia để hoàn chỉnh chuyên đề, thống nhất kết luận những vấn đề trong chuyên đề, có thể rút ra nghị quyết hoặc kết luận chuyên đề của chi bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Th.S Nguyễn Thị Hương Giang (Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)