Qua 9 tháng năm 2024, với nhiều giải pháp tích cực trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lợi thế nổi trội thu hút đầu tư
Xác định việc tạo ra lợi thế để thu hút đầu tư trước hết phải đến từ những giá trị thực sự, tiềm năng nổi bật và lợi thế khác biệt, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp… Trong Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ công tác của năm đều ưu tiên nhấn mạnh vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Hầu hết tập trung đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho những việc khó, “điểm nghẽn”, như: Nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu Quảng Ninh…
Nhiệm vụ cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, toàn bộ 1.758 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh đều được rà soát, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định; phân cấp, ủy quyền tối đa cho cán bộ thẩm định, phê duyệt hồ sơ ngay tại các trung tâm hành chính công; 100% TTHC được xây dựng quy trình bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và niêm yết, công khai bằng mã QR tại các trụ sở hành chính công, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia… Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp đúng hạn và trước hạn đạt 99,8%; tỷ lệ đánh giá hài lòng và rất hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước đạt trên 99%.
Đánh giá về nền hành chính phục vụ của tỉnh Quảng Ninh, ông Roy Shen, Tổng Giám đốc cấp cao đơn vị sự nghiệp E, Tập đoàn Foxconn, chia sẻ: Trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi nhất trí đánh giá Quảng Ninh là địa phương có nền hành chính phục vụ tốt nhất, nhanh và hiệu quả nhất. Tìm hiểu đầu tư ở địa phương, chúng tôi được tiếp cận với các thông tin công khai, minh bạch, cầu thị nhất, TTHC nhanh gọn. 2 dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD được Tập đoàn chúng tôi đầu tư tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) với tổng vốn gần 250 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm hồ sơ được nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Nền hành chính phục vụ của Quảng Ninh không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu… khiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hết sức hài lòng.
Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần chủ động, quyết liệt. Trong đó, có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức về nguồn vốn, nhân lực và mở rộng thị trường. Các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề để gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tổ chức chương trình Cafe doanh nhân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc trong các chính sách”; làm việc với các doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản vào thứ 7 hàng tuần… Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh làm việc với 600 lượt doanh nghiệp. Qua đó, có hàng trăm ý kiến, kiến nghị, khó khăn đã được lắng nghe, ghi nhận và giải quyết, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng có điều kiện tốt để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành quả nổi bật
Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị chức năng bám sát và triển khai tích cực, tập trung vào các hoạt động tìm kiếm, tiếp đoàn nhà đầu tư, các hoạt động kết nối, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện lớn của tỉnh. Qua đó, nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến nay, toàn bộ dữ liệu xúc tiến đầu tư chuyên sâu của tỉnh, như: Thông tin về đầu tư, dữ liệu quy hoạch, thông tin dự án, danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thông tin về tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh… được số hóa qua mã QR bằng 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung) lên Cổng thông tin điện tử xúc tiến đầu tư và được gửi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác quảng bá, kêu gọi, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư cũng được quan tâm thực hiện tốt, đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ đầu năm đến nay, đã có 3 sự kiện lớn được tổ chức nhằm xúc tiến đầu tư vào tỉnh: Chương trình Gặp gỡ xuân Giáp Thìn 2024 “Quảng Ninh Hội tụ và Lan tỏa”; Hội nghị xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch Quảng Ninh nhân dịp đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024 đến Quảng Ninh và Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển. Qua các sự kiện, hình ảnh, tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh đã được quảng bá, giới thiệu tới hơn 300 lượt đại biểu đến từ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các sở, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục duy trì, thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư lớn thông qua các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế, bộ, ngành và cơ quan Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ trong việc giới thiệu các nhà đầu tư có ý định tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong, ngoài nước và đề xuất hỗ trợ tham vấn giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Quảng Ninh trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến từ các thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nauy, Brazil, Nhật Bản, Ả Rập, Dubai… đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Quảng Ninh ở nhiều ngành, lĩnh vực trọng điểm như cảng biển, logistics, dịch vụ du lịch, tài chính, năng lượng, kinh tế số, y tế, giáo dục…
Trong 9 tháng đầu năm, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh đã chủ trì tiếp đón và làm việc với 30 lượt đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, như: Đoàn Công ty Maybank Vietnam, Tập đoàn Foxconn và các cộng sự, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, Công ty Jinko Solar company Limited, Công ty CP đại chúng B.Grimm Power, Công ty HH Tập đoàn xây dựng công trình Trung Quốc… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư các dự án tại Quảng Ninh, như: Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn Jinko Solar, Tập đoàn Marubeni, Đoàn nhà đầu tư Trùng Khánh…
Đến hết tháng 9/2024, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách của tỉnh đạt trên 18.965 tỷ đồng; tổng vốn FDI đạt hơn 1,7 tỷ USD (cao gấp gần 2 lần cùng kỳ 2023). Tỉnh cấp mới GCNĐKĐT cho 26 dự án FDI (cao gấp 1,4 lần cùng kỳ) và điều chỉnh tăng vốn cho 17 lượt dự án. Các dự án thu hút được trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đạt chất lượng cao, trong đó có 3 dự án quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD, gồm: Dự án Tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong – Hải Hà của Gokin Solar Company Limited (HongKong), vốn đầu tư gần 275 triệu USD; dự án Hệ thống thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong của Foxconn Singapore Pte Ltd, vốn đầu tư hơn 287 triệu USD và dự án Sản phẩm giải trí thông minh tại KCN Sông Khoai của Foxconn Singapore Pte Ltd, vốn đầu tư gần 264 triệu USD.
Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đã giải ngân hơn 844 triệu USD, bằng 102,5% cùng kỳ 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng hơn 4,7 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 4,2 tỷ USD. Khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 102 triệu USD, tương đương trên 1.417 tỷ đồng và hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 48.300 lao động. So với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện tăng 2,5%; tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 48,2%; kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu tăng lần lượt 8,9% và 7,5%; thu ngân sách nhà nước tăng 30,5%; tổng số lao động làm việc trong khu vực FDI tăng 13,7%…