Thời gian qua, hoạt động quan trắc môi trường góp phần giám sát, đánh giá chất lượng nước, khí thải, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, giúp doanh nghiệp và cơ quan chức năng có những giải pháp phù hợp, kịp thời xử lý, ứng phó các sự cố, bảo vệ môi trường.
Việc đầu tư, vận hành hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về môi trường. Đặc biệt, tăng cường năng lực cảnh báo và giám sát dữ liệu quan trắc tự động các thông số (không khí, nước mặt, nước biển, khí thải, nước thải), cho phép đánh giá được mức độ ô nhiễm về môi trường tại các khu vực đặt trạm quan trắc, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động phát thải của các doanh nghiệp, đơn vị. Từ đó kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, ngăn chặn hoạt động phát thải vượt giới hạn cho phép cho ra môi trường, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 171 trạm quan trắc môi trường tự động. Các thông số từ các trạm được truyền trực tiếp về Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT). Thông qua theo dõi số liệu quan trắc môi trường tự động tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, Sở TN&MT đã phát hiện các trường hợp xả thải vượt giới hạn cho phép, có văn bản nhắc nhở các đơn vị có các giải pháp đảm bảo không tái diễn, kịp thời kiểm soát ô nhiễm môi trường; đồng thời là căn cứ để xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp có số liệu vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn hiện hành.
Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng môi trường, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80 trạm, điểm quan trắc môi trường không khí (62 điểm định kỳ, 18 trạm tự động, trong đó có 4 trạm, điểm cấp quốc gia); 126 trạm, điểm quan trắc môi trường nước mặt lục địa, nước thải (123 điểm định kỳ, 3 trạm tự động); 1 trạm quan trắc mưa axit cấp quốc gia; 8 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất; 106 trạm, điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ (99 điểm quan trắc định kỳ, 7 trạm quan trắc tự động, trong đó có 7 trạm, điểm cấp quốc gia); 6 điểm quan trắc môi trường vùng cửa sông ven biển cấp quốc gia; 44 điểm quan trắc định kỳ môi trường trầm tích; 45 điểm quan trắc định kỳ môi trường đất (trong đó có 9 điểm quan trắc cấp quốc gia); 26 điểm quan trắc nhựa và vi nhựa; 14 điểm hóa chất bảo vệ thực vật (tồn lưu). Đồng thời điều chỉnh tăng tần số quan trắc nước biển ven bờ từ 4 lần/năm lên 6 lần/năm; môi trường đất từ 1 lần/năm lên 2 lần/năm để đảm bảo quy định về tần suất quan trắc môi trường tối thiểu tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT.
Đến năm 2030 có khoảng 127 trạm, điểm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải; 8 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất; 80 trạm, điểm quan trắc môi trường không khí; 47 điểm quan trắc định kỳ môi trường đất; 106 trạm, điểm quan trắc môi trường nước biển ven bờ; 44 điểm quan trắc định kỳ môi trường trầm tích; 26 điểm quan trắc nhựa và vi nhựa; 3 trạm, điểm quan trắc môi trường phóng xạ; 14 điểm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường, cùng với các giải pháp đồng bộ khác sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu đề ra, nâng cao chất lượng môi trường, đời sống nhân dân.