Quảng Ninh hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, bền vững và hiệu quả với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh… Hiện thực hoá mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh chú trọng tập trung nhiều giải pháp, trong đó tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nâng cao chất lượng nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của 21 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các tham tán Việt Nam tại nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Sở cũng có văn bản gửi các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách mới theo Lệnh 248, 249 được áp dụng từ 1/1/2022 quy định về “đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và “quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhằm tạo sự chủ động trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sang thị trường tiềm năng này.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng luôn đồng hành, ưu tiên nguồn lực và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm và chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy việc chế biến sạch, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Định hướng lâu dài, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu để được cấp phép bổ sung doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu…
Đặc biệt, tại Hội thảo chuyên đề nông nghiệp tăng trưởng xanh năm 2023 diễn ra cuối tháng 11/2023, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Thủy sản Nhật Bản tạo điều kiện hỗ trợ để Quảng Ninh trở thành trung tâm hợp tác về nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Thông qua đó thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” để đạt được mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.
Ông Maitachi Shoji, Nghị sĩ Thượng viện, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, chia sẻ: Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả trong các lĩnh vực khác và góp phần tiếp tục xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa giữa hai quốc gia và với tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục tạo ra một môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng đầu tư kinh doanh vào Quảng Ninh, Việt Nam. Cũng như, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp như các công trình thủy lợi, hỗ trợ xây dựng các chính sách và chiến lược khuyến nông, đồng thời phát triển nguồn nhân lực bằng cách cử chuyên gia Nhật sang Việt Nam làm việc.
Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong sang Nhật Bản học tập và đưa phong trào OVOP (One Village One Product) về Quảng Ninh thành Chương trình Kinh tế nông thôn OCOP (One Commune One Product), được Trung ương đánh giá và nhân rộng thành Chương trình quốc gia OCOP – là chương trình trọng tâm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho khu vực nông thôn.
Theo nhận định của các chuyên gia, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều hợp tác nông nghiệp với các tỉnh của Nhật Bản và thành phố thuộc tỉnh Hokkaido. Tỉnh có lợi thế gần thị trường Đông Bắc Á và Nhật Bản, đây sẽ là địa chỉ để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hợp tác, đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản để phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, bằng những kinh nghiệm và lợi thế sẵn có của tỉnh Hokkaido có thể hợp tác với tỉnh Quảng Ninh nhằm trao đổi, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư chuyển giao công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh để phục vụ thị trường khách du lịch Quảng Ninh, Đồng bằng Sông Hồng, đồng thời chuyển giao công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm sản phục vụ xuất khẩu.
Cùng với việc liên kết, xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản, thời gian qua, Quảng Ninh cũng đang nỗ lực đáp ứng các điều kiện thủ tục, hồ sơ phía Trung Quốc để xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sống trên địa bàn tỉnh, như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua… Theo đó, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ sở nuôi, cơ sở bao gói cũng cần phải được cơ quan quản lý nông, lâm, thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số.
Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới, Sở sẽ xây dựng các kế hoạch để hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng bộ và hệ thống từ tư duy đến hành động, chuẩn hóa mọi quy trình của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp đa giá trị để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.