Môi trường là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Chính vì vậy khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tạo dựng cảnh quan nông thôn trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống, từ đó diện mạo nông thôn ở nhiều vùng quê ngày càng được đổi mới, người dân đã hình thành thói quen, có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn luôn sạch, đẹp.
Chuyển biến trong tư duy, nhận thức
Việc thực hiện và đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM phụ thuộc nhiều vào yếu tố như: Thói quen, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, đặc biệt là địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Còn đối với những thôn, xã đã về đích trong xây dựng NTM, cần chú trọng duy trì kết quả đạt được.
Vì thế, các địa phương đã tích cực triển khai việc thực hiện xây dựng những mô hình thôn đạt chuẩn NTM, vườn mẫu đạt chuẩn NTM, hộ gia đình NTM kiểu mẫu với phương châm “sạch nhà, sạch vườn, sạch đường” gắn với các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân.
Đến xã Liên Hòa (TX Quảng Yên), dọc tuyến đường trục chính của xã, trước vỉa hè, hay trước mỗi hộ gia đình đều đặt một thùng rác nhựa màu xanh có nắp đậy. Trong khu dân cư, hầu hết người dân đều có ý thức để rác đúng nơi quy định, không có tình trạng vứt rác bừa bãi ra lòng đường, vỉa hè. Vì thế, những con đường đều trở nên thông thoáng, sạch sẽ.
Ông Lê Quốc Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 5, xã Liên Hòa, chia sẻ: Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền xã, đội ngũ cán bộ thôn chúng tôi đã kiên trì vận động từng hộ dân không để rác ra lòng đường, vỉa hè, trong khu dân cư, tạo thói quen bỏ rác đúng nơi quy định; không sử dụng các sản phẩm nhựa như túi nilon, chai nhựa; thực hiện thu gom, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Cùng với đó, chúng tôi đã hưởng ứng mô hình “Xanh hóa thùng rác”, vận động các hộ dân mua và đặt thùng rác có nắp đậy dọc các tuyến đường ngõ, xóm thay thế những thùng nhựa, thùng xốp không có nắp đậy.
Mô hình “Xanh hóa thùng rác” của xã đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân trên địa bàn. Mô hình đã làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ có trách nhiệm hơn với môi trường bằng những hành động nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, tạo thói quen phân loại rác ngay tại từng hộ dân. Đến nay rác đã được phân loại, các hộ gia đình đều thực hiện việc bỏ vào thùng rác xanh có nắp đậy cẩn thận tại từng nhà, từng ngõ.
Bà Phạm Thị Bon (thôn 5, xã Liên Hòa) chia sẻ: Từ khi thực hiện mô hình “Xanh hóa thùng rác” kết hợp với việc phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, các thành viên trong gia đình tôi thay đổi hẳn thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, tích cực sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường và việc phân loại rác hữu cơ như gốc rau, củ quả thừa để đưa vào ủ men vi sinh thành phân hữu cơ đã làm giảm lượng rác thải ra môi trường, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM. Để đảm bảo các tiêu chí về môi trường, Quảng Ninh chú trọng đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại thôn, bản, xã; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đến nay, tỉnh có 3/5 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp vùng đi vào hoạt động; 9/13 địa phương cấp huyện có lò đốt rác được đầu tư đã đi vào hoạt động, với tổng số 19 lò đốt rác, cơ bản đảm bảo được nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp nguy hại (tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả) của Công ty TNHH MTV Môi trường – TKV được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động.
Một số địa phương như: Hạ Long, Ba Chẽ, Cô Tô… đã triển khai thực hiện mô hình 3R (phân loại rác tại nguồn) mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải. Nhiều phong trào vệ sinh môi trường được triển khai, duy trì ở các thôn, bản, với sự tham gia tích cực của người dân.
Trong 290,548 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày ở khu vực nông thôn, đã có 267,45 tấn được thu gom, xử lý. Chuồng trại chăn nuôi được người dân di dời xa khu vực dân cư sinh sống và xây dựng đảm bảo vệ sinh môi trường. 100% cơ sở chăn nuôi trang trại có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu khí nhà kính. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý theo quy định.
MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”, thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt; tập trung thực hiện chỉnh trang cảnh quan môi trường, đặc biệt là hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh, hoa tại các trục đường xã, đường thôn, ngõ xóm, khu tập trung đông dân cư, nhà văn hóa xã, thôn… Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng vườn mẫu NTM. Xây dựng các mô hình thu gom xử lý nước thải, mô hình hộ gia đình sử dụng công trình công nghệ, có sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt; mô hình phân loại rác thải tại nguồn; mô hình thu gom, tái sử dụng, tái chế thành nguyên liệu đối với rác thải hữu cơ, rác thải nhựa…