Hệ thống văn bản QPPL có tác động lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thời gian qua, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, từng bước đi vào nền nếp, chất lượng.
HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng văn bản QPPL ở địa phương; nhận thức, tư duy của các chủ thể có trách nhiệm trong xây dựng văn bản QPPL ngày càng có sự chuyển biến tích cực; nguồn lực dành cho hoạt động này được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn bản QPPL.
Trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đảm bảo phù hợp theo quy định. Các cơ quan, đơn vị phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham mưu soạn thảo, ban hành, thực thi văn bản QPPL của tỉnh; kịp thời rà soát với các văn bản QPPL của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương để tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành.
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ban hành 65 văn bản QPPL (05 nghị quyết và 60 quyết định), trong đó cấp tỉnh ban hành 23 văn bản (4 nghị quyết, 19 quyết định), cấp huyện ban hành 33 văn bản (1 nghị quyết, 32 quyết định), cấp xã ban hành 9 văn bản (9 quyết định), tăng 16 văn bản (32,65%) so với cùng kỳ năm 2023. 100% số văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành được thẩm định trước khi ban hành. Các cơ quan tư pháp thẩm định 3 đề nghị xây dựng nghị quyết và 62 dự thảo QPPL, tăng 5 dự thảo (8,77%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Sở Tư pháp đã thực hiện thẩm định 3 đề nghị xây dựng nghị quyết; 7 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh và 18 dự thảo quyết định của UBND tỉnh; tham gia ý kiến 53 dự thảo văn bản QPPL của tỉnh, 15 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và 56 dự thảo khác do các sở, ngành gửi đến. Đối với cấp huyện, phòng Tư pháp đã thẩm định 37 dự thảo, trên cơ sở đó cấp huyện đã ban hành 1 nghị quyết, 32 quyết định.
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật và các nghị định. Thể chế về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của tỉnh được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho công tác được thực hiện hiệu quả. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn cũng như phối hợp với HĐND tỉnh thực hiện công tác tự kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành; tỉnh cũng giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp thực hiện kiểm tra công tác xây dựng, ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các địa phương trong tỉnh.
Căn cứ kế hoạch của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, Sở Tư pháp tự kiểm tra 22 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành, phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tự kiểm tra 4 văn bản QPPL do HĐND tỉnh ban hành và kiểm tra theo thẩm quyền 34 văn bản do các địa phương gửi đến. Sở thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra văn bản tại Tiên Yên, Ba Chẽ, qua kiểm tra phát hiện 8 văn bản chưa phù hợp và kiến nghị xử lý theo quy định.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cũng được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của văn bản QPPL của HĐND, UBND trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tiến hành rà soát, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực được rà soát năm 2023; công bố kết quả rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh kỳ 2019-2023; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác Bộ Pháp điển”.
Thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương; tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.