Các tàu du lịch được mở rộng về quy mô, công suất buồng phòng, số lượng khách, đồng thời cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng như chất lượng dịch vụ cao… Đây là định hướng mà Quảng Ninh đưa ra trong dự thảo Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2030, đang được lấy ý kiến rộng rãi hiện nay.
“Khai tử” tàu vỏ gỗ
Kể từ cuối năm 2023 cho tới nửa đầu năm nay, 2 du thuyền song sinh Grand Pioneers của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận với hơn 100 phòng lưu trú cao cấp, đã đi vào vận hành thương mại trên Vịnh Hạ Long. Ông Lương Thế Tuyên, Phó Giám đốc Công ty cho hay, cặp du thuyền này được đầu tư không chỉ đạt tiêu chí về đẳng cấp, hiện đại, vì môi trường và an toàn nhất trên Vịnh mà còn là đội du thuyền lưu trú ngủ đêm đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn cấp kỹ thuật VR-SB, hoạt động được trên tất cả các vùng nước ven biển Việt Nam, tốc độ chạy đạt tới 13 hải lý/giờ, thời gian hoạt động có thể tới hàng ngàn giờ liên tục…
Với các tiêu chuẩn này khi áp vào dự thảo Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2030, thì tàu Grand Pioneers đều đáp ứng ở mức cao về tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng như chất lượng dịch vụ đối với tàu lưu trú. Theo đó, các tiêu chuẩn đối với tàu lưu trú về cấp kỹ thuật đạt tối thiểu cấp VR-SI, tàu có trọng tải từ 20 phòng ngủ trở lên khuyến khích tàu đạt cấp VR-SB. Vật liệu vỏ thép hoặc vật liệu tương đương. Tốc độ thiết kế tối thiểu 8 hải lý/giờ; thời gian hoạt động liên tục 72 giờ; bố trí chung trên tàu đảm bảo đủ các khu vực phục vụ khách lưu trú. Đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên theo TCVN 9372:2012 tàu thuỷ lưu trú du lịch…
Dự thảo kế hoạch kể trên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% số lượng tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long được đóng mới/thay thế bằng vỏ thép (hoặc vật liệu tương đương). Khuyến khích tàu du lịch đóng mới có trọng tải từ 200 khách trở lên, tàu lưu trú đóng đáy đôi và nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có chất lượng dịch vụ cao. Qua tìm hiểu cho thấy, không chỉ là đội tàu cao cấp của Việt Thuận, những năm gần đây, các chủ tàu khi đóng mới, thay thế tàu du lịch đều có xu hướng chuyển sang đóng tàu vỏ thép và vật liệu tương đương.
Ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho hay: Số tàu vỏ gỗ còn lại hiện nay đều là tàu có từ trước đây, thời gian qua, các chủ tàu cũng không sửa chữa lớn với những con tàu này nữa. Đầu tháng 9 vừa qua, trong cơn bão Yagi có 26/28 tàu du lịch bị đắm là tàu tham quan vỏ gỗ, trong đó khoảng 50% đang khắc phục trở lại để hoạt động tạm thời, còn lại đưa vào đóng mới thay thế bằng tàu vỏ thép. Có những chủ tàu cũng chuyển nhượng lốt tàu để tập trung đóng tàu mới thay thế tàu cũ thì các chủ tàu đều tập trung thay thế bằng những con tàu vỏ thép, tàu có sức chở trên 200 khách trở lên theo dự thảo kế hoạch kể trên.
Gia tăng về quy mô, công suất
Theo dự thảo kế hoạch trong việc đóng thay thế tàu du lịch cho thấy, quy mô, công suất buồng phòng các tàu đều khuyến khích tăng thêm so với tàu hiện có. Cụ thể, đối với tàu tham quan thì khuyến khích thay thế đạt tiêu chuẩn tàu nhà hàng; thay thế tàu đang hoạt động bằng 1 tàu có trọng tải đến 100 khách. Thay thế từ 2 tàu đang hoạt động trở lên bằng 1 tàu có trọng tải tối đa bằng tổng trọng tải số lượng tàu đang hoạt động cộng thêm tối đa 100 khách. Đối với tàu lưu trú: Thay thế 1 tàu đang hoạt động bằng 1 tàu; số phòng tàu thay thế cộng thêm tối đa 10 phòng so với số phòng tàu đang hoạt động. Thay thế nhiều tàu đang hoạt động bằng 1 tàu thì số phòng của tàu thay thế không vượt quá tổng số phòng của các tàu đang hoạt động và cộng thêm 10 phòng/tàu được thay thế…
Chia sẻ về mục tiêu dự thảo Kế hoạch này, ông Hồng khẳng định: Chi hội chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho phép đóng mới, thay thế bằng những tàu có trọng tải từ 200 khách trở lên. Tuy nhiên, Chi hội cũng đề nghị là cần làm rõ số lượng tàu đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long theo đúng khuyến cáo của UNESCO là giảm số lượng đầu tàu. Khi chuyển đổi chất liệu thì đề nghị Sở GT-VT hướng dẫn chủ doanh nghiệp về đầu tư phát triển cho rõ ràng, tránh việc đầu tư rồi mà không được hoạt động. Các quy chuẩn về màu sơn trắng, thông số kỹ thuật thì đương nhiên là chủ tàu phải đáp ứng, chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang thì phải làm rõ là đổi bao nhiêu tàu tham quan để được con tàu 200 chỗ. Với tàu lưu trú khi chở khách tham quan thì việc quy định số khách được chở như thế nào. Cần làm rõ lĩnh vực kinh doanh của từng loại hình, tránh tạo ra sự xung đột về nguồn khách giữa các loại tàu du lịch…
Như vậy, với định hướng của tỉnh trong việc phát triển các đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày càng hiện đại, chất lượng dịch vụ cao cấp hơn, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ giữa các doanh nghiệp, chủ tàu về tiềm lực kinh tế trong đầu tư tàu. Nhận xét về xu thế này, ông Hồng cho rằng, đây là quy luật tất yếu, cũng là động lực khích lệ các chủ tàu trong việc liên kết với nhau để đóng những con tàu cao cấp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về an toàn cũng như nhu cầu trải nghiệm của du khách khi tham quan Vịnh Hạ Long.
Ông cho hay, thời gian qua, các chủ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã từng bước đóng mới, thay thế các con tàu du lịch đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật theo các quy định hiện hành của Bộ GT-VT. Các tàu này đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt về thiết kế và các quy định về an toàn, bảo vệ môi trường. Việc này hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của du lịch bây giờ. Các tàu tham quan, tàu nhà hàng, tàu lưu trú theo dự thảo kế hoạch sẽ trang bị thêm cánh buồm nâu. Cánh buồm nâu là đặc thù của thuyền trên Vịnh Hạ Long, trang bị cánh buồm là làm đẹp thêm cho phương tiện, cho di sản, việc này cũng nằm trong tầm tay của doanh nghiệp, ông cho rằng nên khuyến khích…
Yêu cầu hạ tầng đồng bộ
Các tàu du lịch ngày càng lớn hơn, trọng tải cao hơn cũng đặt ra vấn đề về sự phát triển, mở rộng cảng bến phù hợp khi mà hiện nay vào những khung giờ cao điểm, ngày cao điểm thì không ít cảng bến tại nhiều điểm tham quan đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn cục bộ, như tại hang Sửng Sốt, Ti Tốp, hang Luồn… gây khó khăn cho các tàu ra vào đón, trả khách. Chính vì vậy, trong dự thảo kế hoạch kể trên cũng đặt ra yêu cầu trong việc phát triển số lượng tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đồng bộ với việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa và sức tải du lịch trên vịnh…
Đối với quy mô, số lượng tàu du lịch cũng có định mức cụ thể đảm bảo sức tải du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đối với từng giai đoạn. Theo đó, trong thời gian chưa công bố sức tải du lịch, việc bổ sung tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hằng năm không vượt quá 520 tàu (không bao gồm du thuyền khám phá); số lượng tàu du lịch được điều chỉnh phù hợp với sức tải du lịch khi được công bố. Giai đoạn đến năm 2025 duy trì tổng số 10 tàu nhà hàng, bổ sung thí điểm đủ 20 du thuyền khám phá và duy trì tối đa 178 tàu lưu trú theo khả năng tiếp nhận hiện tại của các điểm lưu trú đã công bố…
Đối với khu vực Vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn): Khuyến khích tàu du lịch vỏ thép đang hoạt động tại Vịnh Hạ Long đăng ký, điều chuyển hoạt động sang vùng Vịnh Bái Tử Long. Giai đoạn đến năm 2025, trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa hiện có bổ sung số lượng 100 tàu du lịch; phát triển số lượng tàu lưu trú phù hợp sức tải khu neo đậu ngủ đêm được đầu tư (Bản Sen – hang Nhà Trò, hang Phất Cờ, Máng Hà).
Giai đoạn 2026-2030, hằng năm rà soát, công bố số lượng tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long được bổ sung đảm bảo tổng số tàu không vượt quá sức tải du lịch được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc khả năng tiếp nhận số lượng phương tiện tại các cảng, bến khách, khu neo đậu và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ (cảng, bến, khu neo đậu, luồng đường thuỷ nội địa, hành trình tham quan du lịch)…