Với khoảng 17 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt năm 2024 đã nỗ lực hồi phục như trước dịch và tăng tốc chạy đua trong khu vực.
“Tăng từ 12,6 triệu lượt khách quốc tế của năm ngoái lên 17,5 triệu trong năm nay là nỗ lực đáng kể của ngành du lịch”, Chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ nói. Ngoài các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch ra thế giới, năm nay các địa phương liên tục tổ chức chuỗi sự kiện, lễ hội để thu hút khách du lịch. Cách thức tổ chức quy mô, bài bản và hấp dẫn hơn cho thấy người Việt dần có ý thức hơn trong thu hút khách quốc tế.
“2024 là năm thành công của ngành. Phục hồi gần bằng trước dịch cho thấy khả năng cạnh tranh, sức hút của Việt Nam”, Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết.
Một trong những nguyên nhân giúp lượng khách du lịch quốc tăng trưởng mạnh mẽ, theo ông Quỳnh, là nhờ chính phủ đã mở rộng cửa với du lịch quốc tế; quảng bá du lịch được đẩy mạnh. Cơ sở hạ tầng, khách sạn, dịch vụ du lịch được cải thiện, giúp khách nâng cao trải nghiệm. Việt Nam cũng thúc đẩy nhiều loại hình du lịch hút khách như du lịch biển, sinh thái, văn hóa, ẩm thực, MICE. MICE là một trong những loại hình khởi sắc năm nay với ví dụ điển hình là đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 8.
Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước miễn thị thực đơn phương cũng như áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời gian tạm trú được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
“Em gái tôi đặt tour đến Việt Nam ngay sau khi thông tin nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày được chính thức công bố. Cô ấy sẽ có mặt ở Hà Giang vào tháng 2/2025, thời điểm hoa đào nở rộ nhất”, Maria Sanchez, nữ du khách người Tây Ban Nha đang du lịch tại Việt Nam cho biết. Nhiều người bạn của cô cũng chuyển hướng đến Việt Nam vào năm 2025, sau khi chính sách nới lỏng visa có hiệu lực hồi tháng 8.
“Khách nói thời hạn lưu trú 45 thật tuyệt, họ có thể đi nhiều, ở lại mỗi nơi lâu hơn, thay vì cưỡi ngựa xem hoa như hồi có 15 ngày”, Nguyễn Bá Thắng, hướng dẫn viên du lịch chuyên thị trường khách Tây Ban Nha, sống tại TP HCM, nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cho biết thành công năm nay của ngành du lịch một phần nhờ đóng góp lớn từ tệp khách Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hàn Quốc. Lượng khách đến từ ba thị trường này trong 11 tháng đầu năm đạt khoảng 8,6 triệu lượt, chiếm 54% thị phần khách quốc tế. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng lớn của Việt Nam trong năm nay cũng đến từ tệp khách châu Âu, đặc biệt là các quốc gia được hưởng chính sách nới lỏng và miễn thị thực đơn phương như Italy, Pháp, Anh.
“Du lịch Việt đang dần hoạt động bài bản hơn” là đánh giá của ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty Du lịch Travelogy. Trước đây, du lịch Việt không có nhiều sản phẩm thu hút du khách. Các sản phầm thường bị chồng chéo và gần giống nhau, không có sự khác biệt. Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Nhiều nơi có sản phẩm du lịch độc đáo, kích thích khách ở lâu hơn, thay vì 7-10 ngày, khách đã ở lại 3-4 tuần.
“Hà Nội năm nay đã mở rộng thêm loạt sản phẩm du lịch đêm, không chỉ ở trung tâm mà còn ở ngoại ô, khiến khách có thể đi ở một hai tuần không chán”, ông Tuyên nói.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao lượng khách nội địa của Việt Nam, ước đón 120 triệu lượt cho đến hết năm nay; tăng 13% so với 106 triệu lượt của năm ngoái và gấp 1,5 lần con số 80 triệu lượt của năm 2019. Đặc biệt, con số này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao trong suốt 9 tháng đầu năm nay.
“Khách Việt hiện tiêu dùng rất thông minh”, ông Đạt lý giải việc giá vé máy bay đắt nhưng lượng khách đi du lịch không giảm. Nhiều người đã chọn du lịch gần nhà để di chuyển bằng ôtô hoặc tàu hoặc bay vào giờ xấu để tiết kiệm chi phí. Nhiều người trong số đó còn đi du lịch 2-3 lần trong năm.
“Vé máy bay đắt thì chúng tôi chọn đi mùa thấp điểm. Mùa hè cao điểm, gia đình chọn đi tàu từ Hà Nội đến Huế, Đà Nẵng hoặc chọn điểm gần có thể lái xe, chi phí dễ chịu hơn rất nhiều”, Nguyễn Ngọc Lan Anh, 30 tuổi nói về kế hoạch đi du lịch ba lần trong năm.
Các chuyên gia cho biết năm nay các điểm nóng du lịch cũng đưa ra nhiều chính sách kích cầu như giảm giá phòng. Khánh Hòa là một ví dụ cho thành công của ngành du lịch trong năm nay, khi lượng khách quốc tế và nội địa đều về đích trước khi hết năm. Để có được thành tích này, tỉnh ngoài tăng cường xúc tiến du lịch song phương còn mở thêm nhiều đường bay thẳng, hướng đến các tệp khách đông như Hàn Quốc.
Khánh Hòa nói chung và Nha Trang nói riêng được du khách đánh giá cao nhờ ẩm thực ngon, bãi tắm đẹp và không chặt chém, giá phòng khách sạn rẻ và nguồn cung dồi dào. Nhiều khách của công ty ông Mỹ đi Nha Trang về rất hài lòng. “Người dân Nha Trang nói rằng ở đây, họ chỉ lấy giá đó thôi. Các du khách bất ngờ và ấn tượng rất tốt về nơi này”, ông Mỹ nói.
Giá vé máy bay tăng đột biến trong năm nay là điều đáng tiếc cho ngành du lịch. Nếu giá vé như những năm trước, chắc chắn lượng khách nội địa còn tăng cao hơn và du lịch Việt không bị mất một lượng lớn khách chọn đi du lịch quốc tế thay thế.
Nhiều chuyên gia cho rằng để đưa giá vé về mức bình ổn như những năm trước, các hãng hàng không nên chủ động giảm giá. “Cần phải tái cơ cấu hãng bay, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các chi phí cố định. Như vậy, giảm giá vé máy bay không còn là vấn đề”, ông Đạt nói.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cũng là điều khiến các CEO nhiều công ty lữ hành mong muốn có thể khắc phục trong năm tới. Ngoài thiếu các hướng dẫn viên nói tiếng hiếm như Tây Ban Nha, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, ngành cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên giỏi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng hy vọng giới chức ngành có thêm các nghiên cứu về số ngày khách lưu trú, số tiền khách chi tiêu, sở thích của từng thị trường khách để từ đó có định hướng phát triển du lịch dài hạn.
Số liệu thống kê hôm 6/11 của Cục Du lịch Quốc gia chỉ ra trong 11 tháng đầu năm, Hàn Quốc là tệp khách hàng lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Australia. Tuy nhiên, ngoài các thống kê về lượt khách, ngành du lịch Việt chưa có nhiều dữ liệu chi tiết khác như chi tiêu và lưu trú.
Chính sách visa của Việt Nam với thị trường khách quốc tế được ông Đạt đánh giá “rất tốt”. Tuy nhiên, ông vẫn mong muốn chính phủ nới rộng thêm danh sách miễn thị thực đơn phương, đặc biệt hướng tới thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội. “Khách đến từ nhiều quốc gia có môi trường trong lành sẽ một đi không trở lại nếu đến những nơi ô nhiễm”, ông nói.
Các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam “không ngủ quên trên chiến thắng” của năm nay. Chủ tịch Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ cho biết không riêng ngành du lịch Việt tăng tốc, nhiều nước cũng tăng tốc và tăng nhanh hơn. Trong khi Việt Nam đang ở mức “gần phục hồi”, Malaysia đã phục hồi từ 2023 với 28 triệu lượt.
Chủ tịch Lửa Việt cho rằng con số 17 triệu chưa hẳn là thước đo thành công của ngành, đặc biệt nếu so với các nước trong khu vực. Singapore ước đón 15-16 triệu lượt khách, ít hơn Việt Nam nhưng quốc gia này diện tích nhỏ, 700 km2 và chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc 100 km2. Thái Lan năm 2024 ước đón 36 triệu lượt khách quốc tế, dân số gần 72 triệu người – tương đương hai người Thái đón một khách. Như vậy, nếu so sánh theo hình thức trên, ngành du lịch Việt cần đặt ra mục tiêu đón 50 triệu lượt khách, trên tổng dân số hơn 100 triệu người.
“Chúng ta chạy, các nước khác chạy nhanh hơn”, ông Mỹ nói.