Trong những tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh phải đối đầu với nhiều khó khăn lớn liên quan đến dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trong đó dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, đe doạ đến tổng đàn lợn. Tuy nhiên, bằng những giải pháp chỉ đạo và triển khai kịp thời, trúng, đúng, cùng sự nỗ lực cao độ của toàn ngành, mức tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 4,3%, cao hơn 0,17 điểm % so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng.
Bước sang tháng 6, một số yếu tố tích cực xuất hiện. Diện tích nhiễm sinh vật gây hại trên cây trồng giảm; giá sản phẩm chăn nuôi chủ yếu có xu hướng tăng, giúp người chăn nuôi có lãi; điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc khai thác rừng trồng tập trung và triển khai trồng rừng sau khi khai thác. Toàn tỉnh đang đẩy mạnh triển khai Quy hoạch tỉnh và hoàn thiện các thủ tục để cấp phép, giao mặt nước biển cho các tổ chức, cá nhân. Các tàu cá vẫn tiếp tục bám biển để ổn định sản xuất khai thác thủy sản… Đây là nền tảng, lực đẩy thuận lợi để ngành Nông nghiệp đạt kết quả cao trong 6 tháng cuối năm, đưa mức tăng trưởng toàn ngành đạt 3-5% trong năm 2024 như đã đề ra.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, trong những tháng cuối năm, lợi thế của ngành Nông nghiệp là cây vụ đông và vụ thu hoạch thuỷ sản nuôi chính trong năm, bao gồm tôm, nhuyễn thể và vụ khai thác rừng mùa khô. Đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng nông sản càng về cuối năm càng tăng cao, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản. Nắm bắt cơ hội này, ngay từ sớm ngành Nông nghiệp đã có những chỉ đạo cụ thể, nhằm đảm bảo mức tăng trưởng theo kịch bản.
Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lợi thế cây vụ đông là cho ra những nông sản cần thiết phục vụ nhu cầu người dân dịp cuối năm. Nông sản thời điểm này cũng được cho là ngon, chất lượng dinh dưỡng cao. Trên cơ sở tham mưu của Chi cục, các địa phương, doanh nghiệp trồng trọt và nông dân chăm sóc, thâm canh cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo năng suất, chất lượng; thực hiện thu hoạch các cây trồng vụ xuân, công tác vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch và chuẩn bị các vật tư thiết yếu cho sản xuất vụ mùa. Đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo và tham mưu kịp thời biện pháp phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng phối hợp quy hoạch vùng sản xuất cụ thể và xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực với định hướng xuất khẩu, đồng thời gắn việc xây dựng và quản lý việc cấp mã vùng trồng, quản lý dịch hại, xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn quản lý dịch hại.
Trong chăn nuôi, thời điểm hiện nay các ổ dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh đang được khống chế, tuy nhiên mầm dịch vẫn còn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Giải pháp Sở NN&PTNT đưa ra là tiếp tục xử lý triệt để, tại ổ dịch khi xác định một con bị bệnh là tiêu huỷ cả đàn; sau xử lý dịch, những ổ này được khoanh lại, ngừng tái đàn trong một khoảng thời gian.
Bà Chu Thị Thu Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, cho biết: Rút kinh nghiệm từ bài học đàn lợn của xã Vĩnh Thực (TP Móng Cái) chết gần hết là do việc chần chừ tiêu huỷ cả đàn sau khi phát hiện số ít con bị bệnh. Vì vậy, việc tiêu hủy đàn lợn bệnh và giãn thời gian tái đàn sau dập dịch là cần thiết. Cùng với đó, các đơn vị chăn nuôi cần đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm phòng vắc-xin, tổ chức giám sát, phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên động vật, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Theo kế hoạch đề ra, từ nay đến cuối năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng, mở rộng vùng an toàn dịch bệnh, xây dựng mô hình điểm cơ sở an toàn dịch bệnh dại cấp phường, xã. Hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn của tỉnh như Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty CP Đông Bắc Green… thực hiện theo kế hoạch phát triển sản xuất năm 2024 đạt quy mô, sản lượng, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào.
Thời điểm 6 tháng cuối năm, thời tiết chuyển dần từ mùa mưa sang mùa khô, thuận lợi để khai thác rừng trồng và trồng rừng bổ sung. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các chủ rừng khai thác diện tích rừng trồng sản xuất tập trung đã thành thục công nghệ để đạt được sản lượng cao, tránh cây bị chậm phát triển, đổ gãy vào mùa mưa. Đồng thời, khuyến khích, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tranh thủ mùa vụ và thời tiết thuận lợi trồng cây, trồng rừng gỗ lớn, chăm sóc cây trồng đúng quy trình, kỹ thuật để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao.
Đối với ngành Nông nghiệp, sản xuất thuỷ sản được coi là lĩnh vực hạt nhân, xương sống. Ngay từ đầu năm, với định hướng hướng ra biển, đẩy mạnh nuôi biển, nhiều chương trình, hoạt động đã được khởi động, một trong số đó là giao khu vực biển. Trong 6 tháng cuối năm, mục tiêu của thuỷ sản Quảng Ninh là hoàn thành các đề án về phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030, cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản biển bền vững. Chi cục Thuỷ sản đã chuẩn bị những điều kiện để phối hợp sắp xếp ổn định các vùng nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh việc giao khu vực biển theo quy hoạch cho các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản và cấp phép nuôi trồng thủy sản cho tổ chức, cá nhân, trong đó tiếp tục đề nghị Trung ương công nhận điều chỉnh đường triều kiệt và sửa Nghị định số 11-NĐ/CP theo hướng phân cấp cho tỉnh. Những tháng cuối năm cũng là thời điểm đơn vị kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất, cung ứng con giống, vật tư thủy sản, đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng, kịp thời vụ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, ngoài những giải pháp trên, 6 tháng cuối năm ngành Nông nghiệp cũng đón nhận những tín hiệu mới có tính đột phá. Đó là gói cho vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất gần 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh uỷ thác qua Ngân hàng CSXH dành cho nông nghiệp, nông thôn, vùng núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS, cũng như tiếp tục triển khai Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về trồng rừng gỗ lớn. Hiện 2 chính sách lớn này đang được HĐND tỉnh thảo luận tích cực để đưa ra quyết định cuối cùng; khi được thông qua và đưa vào thực tiễn sẽ là đòn bẩy quan trọng cho toàn ngành nông nghiệp không chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024, mà cho cả thời gian lâu dài về sau.