Chiều 30/12, Sở NN&PTNT trì chủ tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024.
Tỉnh Quảng Ninh có 27.999 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, trong đó 598 cơ sở quy mô doanh nghiệp và 27.401 cơ sở quy mô nông hộ. Trong năm 2024, các ngành chuyên môn, nòng cốt là Sở NN&PTNT cùng các địa phương ban hành 200 văn bản, kế hoạch triển khai về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm sản và thủy sản; tổ chức 185 lớp tập huấn về ATTP với trên 10.000 người tham gia; in ấn, cấp phát trên 57.000 tờ rơi, sổ tay và truyền thông 280 tác phẩm báo chí về lĩnh vực ATTP đến người dân.
Sở NN&PTNT xếp loại, định kỳ 206 cơ sở đủ điều kiện ATTP và thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 576 cơ sở. Đối với cơ sở quy mô nông hộ, tính từ đầu năm đến nay, có 26.566 cơ sở đã ký cam kết ATTP, trong đó 16.397 cơ sở có kiểm tra sau ký cam kết.
Tỉnh có 322ha trồng trọt, 329ha rừng, 1 cơ sở NTTS và 41 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP; 62 vùng trồng và 9 cơ sở đóng gói được cấp mã số; 14 chuỗi cung ứng nông sản được xác nhận chuỗi nông sản an toàn và 54 loại sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn. Sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh đang đạt những tiêu chí an toàn theo quy định chung. Tỉnh Quảng Ninh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2024, cơ bản các nông sản của Quảng Ninh đều được tiêu thụ ổn định, không có hiện tượng dư thừa sản phẩm cục bộ số lượng lớn theo mùa vụ. Trong năm đã tiêu thụ hơn 212.000 tấn cây lương thực có hạt; gần 103.000 tấn thịt hơi các loại; 168.850 tấn thuỷ sản nuôi và khai thác. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Quảng Ninh qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt trên 2,4 triệu tấn, giá trị đạt khoảng 345 triệu USD.
Đạt được kết quả này, năm 2024, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan đã tăng cường các hoạt động thu thập số liệu về biến động thị trường cũng như khảo sát, tìm kiếm thị trường để giúp doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; cung cấp danh sách cơ sở có nhu cầu cung cấp sản phẩm nông sản an toàn tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; đăng tải bản tin thị trường nông sản trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; hỗ trợ các nông hộ, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng và quản lý kinh doanh thương mại điện tử.
Trong năm, Quảng Ninh đã đưa 7 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản với trên 40 sản phẩm tham gia 12 hội chợ, hội nghị, diễn đàn về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; đưa 6 cơ sở với 22 sản phẩm giới thiệu kết nối vào các hệ thống phân phối lớn của thành phố Hà Nội; duy trì trên 40 cơ sở phân phối tại trên 100 điểm bán trên toàn quốc; hình thành 7 trung tâm thương mại và 23 cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Hiện trên Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên do Quảng Ninh quản lý đang có gần 1.400 tài khoản vận hành, 2.489 mã QR-code sản phẩm, trong đó 1.280 mã QR-code nông sản đã qua chế biến bao gói.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đi sâu vào báo cáo và phân tích cách thức triển khai nhiệm vụ đảm bảo ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện và phân công, phân cấp; tham luận về công tác tuyên truyền vận động bảo đảm ATTP nông lâm thuỷ sản, vì sức khoẻ cộng đồng và về kế hoạch đảm bảo chất lượng, ATTP năm 2025 của cơ sở.
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT thông báo kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm, xếp hạng công tác quản lý ATTP nông, lâm, thuỷ sản của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Theo đó các địa phương Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long, Đông Triều, Tiên Yên, Hải Hà thuộc nhóm hạng triển khai tốt; các địa phương Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Cô Tô thuộc nhóm hạng triển khai đạt yêu cầu. Trên cơ sở kết quả này, Sở NN&PTNT sẽ đề nghị UBND tỉnh xem xét, ban hành thông báo kết quả xếp hạng các huyện, thị xã, thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh.