Thị trường phim Tết Giáp Thìn rơi vào thế mất cân bằng khi “Mai” của Trấn Thành bỏ xa các đối thủ khác cả về doanh thu, suất chiếu lẫn hiệu ứng truyền thông.
Những điều đặc biệt
Tính đến ngày 22.2, phim “Mai” đã vượt 387 tỉ đồng doanh thu, bỏ xa những tác phẩm còn lại chiếu cùng thời điểm, theo số liệu từ Box Office Việt Nam.
Bộ phim xếp thứ 2 là “Gặp lại chị bầu” thu về 67 tỉ đồng, doanh thu chỉ bằng 1/5 phim của Trấn Thành. Khoảng cách về doanh thu và suất chiếu giữa “Mai” với những phim còn lại đã có cách biệt lớn từ mùng 1 Tết.
Đường đua phim Tết chứng kiến Trấn Thành tự phá kỷ lục của chính mình, còn “Mai” nối dài thành tích qua từng ngày công chiếu.
Sức ép lớn từ “Mai” đã khiến “Sáng đèn” và “Trà” phải rút khỏi rạp sau 3 ngày ra mắt khán giả. Tác phẩm thứ ba do Trấn Thành đạo diễn gần như chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường.
Không giống như “Nhà bà Nữ” phải đối đầu với “Chị chị em em” 2 mùa Tết năm 2023, “Mai” ra mắt trong thiên thời địa lợi, không gặp phải đối thủ tương xứng về chất lượng, hiệu ứng, tên tuổi diễn viên.
Ngay trước thềm dịp cao điểm ngày lễ Tình nhân, “Mai” mất đi 2 đối thủ và càng được ưu ái về suất chiếu.
Trong cuộc trò chuyện với Lao Động, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt đánh giá về thị trường rạp phim Việt Tết năm nay: “Mùa phim Tết 2024 có 2 điều đặc biệt. Một là, lần đầu tiên có 2 phim rút khỏi rạp sau khi chiếu 3 ngày. Họ biết họ không có khả năng đấu lại “Mai”, mỗi ngày chỉ có khoảng 400 suất chiếu và không có cách nào thu hồi vốn. Tôi cho rằng, đoàn phim rời rạp như vậy là chậm, đáng lẽ họ nên tạm ngừng chiếu ngay từ ngày đầu tiên bị xếp 400 suất chiếu/ngày.
Thứ hai, khoảng cách giữa “Mai” và các phim còn lại quá xa. “Gặp lại chị bầu” chỉ là một phim trung bình khá. Không thể nói “Mai” là một phim xuất sắc, nhưng “Mai” xuất sắc so với phần còn lại”.
Xuất hiện cơn sốt vé mới
Mùa Tết là thời điểm rất đặc biệt đối với phòng vé Việt. Khán giả có kỳ nghỉ lễ dài, tài chính xông xênh. Có nhiều người cả năm không xem phim nhưng Tết sẽ ra rạp vì họ có thời gian rảnh, muốn giải trí.
Doanh thu phim phần nào phản ánh chất lượng phim và thị hiếu của khán giả. Việc “Gặp lại chị bầu” thua thiệt, nhạt nhòa khi đụng độ “Mai” là dễ hiểu khi phim vẫn còn những hạn chế về nội dung, kịch bản.
Những ngày qua, một cái tên tưởng như bị lãng quên bỗng trở lại mạnh mẽ nhờ hiệu ứng truyền miệng trên mạng xã hội. Đó là “Đào, phở và piano” – bộ phim Nhà nước đặt hàng từng chỉ có 3 suất chiếu/ngày.
Trước sự quan tâm của công chúng, ông Vũ Đức Tùng – quyền Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia – cho biết, sẽ có sự thay đổi lịch chiếu theo hướng giảm bớt 50% số suất chiếu phim “Mai” để chuyển sang cho “Đào, phở và piano”.
Giới chuyên gia gọi sự bùng nổ của “Đào, phở và piano” là một hiện tượng chưa từng có. Nhưng để tác phẩm lịch sử này có thể so kè với “Mai” là điều không tưởng.
Sẽ không có chuyện một bộ phim hoàn thành từ năm 2023 nhưng công chiếu hơn 10 ngày mới có trailer chính thức, không có fanpage, không quảng bá, chiếu tại 1 rạp duy nhất với số suất chiếu ít ỏi… trở thành đối thủ của “Mai”.
Như nhận định của ông Nguyễn Phong Việt, “Đào, phở và piano” chỉ là một món ăn vừa lạ vừa khó kiếm, nhất thời tạo cơn sốt vé với khán giả Hà Nội. Trên thực tế, chỉ có số ít phim Nhà nước được phát hành thương mại và đến được với khán giả. Phim tư nhân đã đi một quãng đường rất xa và tạo cách biệt lớn với phim Nhà nước trong việc làm phim phục vụ khán giả.
Rõ ràng, so sánh phim “Mai” của Trấn Thành với “Đào, phở và piano” do Phi Tiến Sơn đạo diễn là khập khiễng vì hai phim có nhiệm vụ riêng, đặc điểm và chiến lược khác nhau. Dù vậy, cơn sốt vé “Đào, phở và piano” là một tín hiệu khả quan của dòng phim do Nhà nước đặt hàng.