Những năm gần đây, phim truyền hình về đề tài thiếu nhi vắng bóng, còn phim điện ảnh dành cho trẻ em cũng khan hiếm, chưa được quan tâm đúng mức.
Lợi nhuận khiêm tốn
Mùa hè là dịp cao điểm để những bộ phim dành cho trẻ em đổ bộ phòng vé. Thế nhưng những năm qua, màn ảnh lại thiếu vắng những tác phẩm “cây nhà lá vườn”, dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam.
Trong vài tháng hè năm 2024, có khoảng 10 bộ phim điện ảnh ngoại dành cho thiếu nhi sẽ công chiếu tại Việt Nam, trong khi phim nội cùng thể loại hoàn toàn vắng bóng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nhà sản xuất không mặn mà với phim thiếu nhi là bởi dòng phim này dễ thua lỗ, thường không mang lại doanh thu cao như các thể loại phim khác.
Còn nhớ năm 2022, phim điện ảnh “Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác” công chiếu dịp Quốc tế Thiếu nhi chỉ thu về 6,4 tỉ đồng, dù kinh phí sản xuất lên đến 30 tỉ đồng. Phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” cũng rời rạp với doanh thu 22 tỉ đồng trong khi số vốn đầu tư là 43 tỉ đồng.
Trước đây, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng ấp ủ xây dựng một “vũ trụ cổ tích” trên màn ảnh rộng, trong đó loạt phim về nhân vật Trạng Tí dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng dự kiến có đến 3 phần. Nhưng, với việc thất thu phòng vé ở ngay phần đầu tiên khiến series này “chết yểu”, khó tìm đường đến với khán giả.
Thực tế cho thấy, để sản xuất ra một bộ phim điện ảnh nói chung hay dành cho thiếu nhi nói riêng đang là một bài toán kinh tế cho các đơn vị sản xuất. Việc quản lý, sắp xếp lịch quay, lo chi phí ăn ở cho diễn viên nhí và người nhà, chăm sóc tâm lý cho các em nhỏ… cũng phức tạp hơn khi làm việc với diễn viên trưởng thành.
Một trở ngại lớn của điện ảnh Việt khi sản xuất phim thiếu nhi là thiếu nguồn diễn viên nhí chất lượng. Quá trình tìm kiếm gương mặt nhí phù hợp là thử thách lớn cho đạo diễn và ê-kíp tuyển chọn diễn viên.
Thiếu kịch bản chất lượng
Truyền hình từng có giai đoạn chú trọng sản xuất phim thiếu nhi. Nhiều tác phẩm ra đời chinh phục người xem như: “Đất phương Nam”, “Kính vạn hoa”, “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Chiến dịch trái tim bên phải”, “Gia đình phép thuật”, “Ngũ quái Sài Gòn”… Nhưng đến nay, phụ huynh và trẻ nhỏ muốn tìm đến những bộ phim thiếu nhi chất lượng vẫn không có nhiều lựa chọn, lại tìm về những thước phim truyền hình đã phát sóng từ 20 năm trước.
Bộ phim thiếu nhi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt năm 2015 là điểm sáng hiếm hoi, mang về doanh thu 80 tỉ đồng. Đạo diễn Victor Vũ từng nhìn nhận rằng, phim đã giải tỏa đúng cơn khát khi điện ảnh Việt Nam đang rất thiếu tác phẩm về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo. Bởi lẽ, những tác phẩm lấy chất liệu gần gũi với thiếu nhi như “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tấm Cám”… khi ra rạp đều phải đi theo hướng thị trường, phục vụ khán giả thanh niên, người lớn để nhanh chóng thu hồi vốn chứ không thuần phục vụ trẻ em.
Nếu như thế giới đã có những phim hoạt hình đoạt doanh thu tỉ USD như “Công chúa băng giá”, “Kẻ cắp mặt trăng”, “Toy Story”, “Gia đình siêu nhân”, “Doraemon”, “Kungfu Panda”, tiếp cận cả khán giả trưởng thành, mở rộng đề tài lồng ghép các bài học nhân sinh… thì hoạt hình Việt Nam vẫn còn khá xa lạ, thiếu những kịch bản hay và phù hợp với thị hiếu khán giả nhí.
Bà Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam từng đặt vấn đề trong hội thảo về phim hoạt hình Việt: “Trên thế giới nếu điện ảnh là nghệ thuật thứ 7 thì phim hoạt hình được công nhận là nghệ thuật thứ 8. Nhiều quốc gia có những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như các phim anime, Doraemon, công chúa, siêu anh hùng… thu hút hàng tỉ người theo dõi. Làm sao để chúng ta đạt được đỉnh cao như vậy?”.
Lý do phim Việt dành cho thiếu nhi không thể cạnh tranh với phim ngoại trên sân nhà vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Để lấy lại thị phần khán giả thiếu nhi trong nước, cần một hành trình dài với sự chung tay của các nhà đầu tư, nhà sản xuất, biên kịch, các cơ quan quản lý Nhà nước. Không phải chỉ một phim thiếu nhi hay đã đủ để thay đổi cái nhìn của khán giả.