Trong những năm qua, các cấp MTTQ tỉnh không ngừng phát huy vai trò nòng cốt tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất, chung tay giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo nên nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trong tình hình mới.
Quảng Ninh hiện có 22 dân tộc, với khoảng 1,2 triệu người. Mỗi dân tộc có bản sắc và văn hóa riêng biệt, độc đáo. Nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhiều năm qua bám sát vào các nghị quyết của trung ương, của tỉnh, gần đây nhất là Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, các cấp MTTQ tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, chung tay phát triển nền văn hóa truyền thống, loại bỏ những tư tưởng, văn hóa cổ hủ, lạc hậu, mê tín dị đoan và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn liền với thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân cư.
Mỗi địa phương, vùng miền, địa bàn dân cư trong tỉnh có những đặc thù khác nhau, nhưng đều có những cách làm sáng tạo trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tại huyện miền núi Ba Chẽ, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, hằng năm Ủy ban MTTQ huyện ban hành các kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, hội viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá mới, gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu ở nhiều địa bàn nông thôn.
Đồng chí Hoàng Ngọc Quyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ, cho biết: Qua thực hiện các cuộc vận động, các hộ dân, đặc biệt là hộ DTTS, đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
Huyện Đầm Hà với đặc thù vừa có rừng, vừa có biển, nhiều nét văn hóa truyền thống, các cấp MTTQ huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các đề án, mô hình phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu như đã thành lập, duy trì các CLB hát nhà tơ ở xã Đầm Hà; lễ hội Đình Đầm Hà; hát sán cố và may thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao ở xã Quảng An; phục dựng các lễ hội truyền thống đình Tràng Y ở xã Đại Bình; lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu ở xã Quảng An; chợ phiên Ba Nhất và khu ẩm thực Cầu Tình ở xã Quảng An…
Các phong tục, trò chơi dân gian mang bản sắc của đồng bào DTTS ở Đầm Hà thường xuyên được tổ chức trong các sự kiện, ngày kỷ niệm, lễ, Tết hằng năm, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng và tạo không khí vui tươi sôi nổi.
Bà Lỷ Sồi Thống (thôn Nà Pá, xã Quảng An, huyện Đầm Hà) cho biết: Người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, mà còn tạo điều kiện cho nhân dân được giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, tiếp cận những nét truyền thống văn hóa đặc sắc khác của dân tộc Việt Nam. Từ đó tạo động lực cho chúng tôi thêm tin yêu quê hương, đất nước, bám rừng, bám biển phát triển kinh tế, nâng cao đời sống thu nhập.
Từ việc khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên và phát huy giá trị truyền thống văn hóa đã giúp cho huyện Đầm Hà trở thành địa phương đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, từng bước phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Với vai trò là lực lượng nòng cốt, MTTQ các cấp đã làm tốt công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và gắn kết phát triển giữa các dân tộc cùng chung sống trong cộng đồng dân cư. Trong nhiều phần việc có ý nghĩa của MTTQ, nổi lên là đã duy trì tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư với nhiều đổi mới thiết thực, đặc sắc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt trong 2 năm gần đây (2022, 2023), Ngày hội được thống nhất tổ chức đồng loạt trong một ngày tại 1.452/1.452 khu dân cư, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thực sự là Ngày hội của toàn dân.