Tính đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt cán bộ, nhân viên của Quân đội, Công an đi làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi…
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục khẳng định hình ảnh một thành viên năng động, tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với hàng loạt đóng góp thiết thực và hiệu quả cho hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.
Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đây là chủ trương lớn, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (đặc biệt là hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc).
Trong vòng 10 năm qua, lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã liên tục có sự trưởng thành, mở rộng vững chắc, bài bản, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công cuộc gìn giữ hòa bình thế giới, kết quả đáng khích lệ, tự hào.
Tính đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt cán bộ, nhân viên của Quân đội, Công an đi làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ ở Nam Sudan (UNMISS), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), khu vực Abyei (UNISFA) và trụ sở Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân và hình thức đơn vị.
Việt Nam hiện nay đứng vị trí 45 trên tổng số 120 nước cử quân và cảnh sát với quân số triển khai thường xuyên tại các phái bộ thực địa là 274 người, bao gồm 36 nữ.
Cụ thể có 27 sỹ quan cá nhân (21 sỹ quan quân đội và 06 sỹ quan cảnh sát), 1 bệnh viện dã chiến cấp 2 (63 người) và 1 Đội Công binh (184 người) tại 3 phái bộ thực địa gồm UNMISS, MINUSCA và UNISFA.
Việt Nam cũng đang có 4 sỹ quan (3 sỹ quan quân đội và 1 sỹ quan cảnh sát) đã trúng tuyển và đang thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc, trực tiếp tham gia vào các cơ quan chỉ đạo phái bộ, xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách về Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động Gìn giữ Hòa bình và Cố vấn Quân sự Liên hợp quốc đã nhiều lần biểu dương và gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp của lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam.
Nhiều lãnh đạo Liên hợp quốc cũng nêu bật đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là cử nữ quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với tỷ lệ cao, đạt và vượt tiêu chí do Liên hợp quốc đề ra.
Ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đánh giá cao sự tham gia tích cực, đạt kết quả tốt của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như những cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Liên hợp quốc.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết đã trực tiếp chứng kiến và rất ấn tượng khi thấy Đại đội công binh Việt Nam hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ khó khăn được giao tại Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA).
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Atul Khare bày tỏ ngưỡng mộ trước những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam, nhất là việc triển khai các bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2018 đến nay.
Thành công này thể hiện những cam kết mạnh mẽ, khẳng định những nỗ lực của Việt Nam, là điều tuyệt vời trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Tháng 3/2023, trao đổi với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Nam Sudan kiêm Trưởng phái bộ UNMISS, ông Nicholas Haysom đánh giá rất cao đóng góp tích cực, hiệu quả, sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, ý thức kỷ luật cao của các cán bộ chiến sỹ quân y Bệnh viện dã chiến cấp 2 và cảnh sát Gìn giữ Hòa bình Việt Nam tại Phái bộ UNMISS.
Tháng 12/2023, Cố vấn cảnh sát Liên hợp quốc Faisal Shahkar cũng đề cao sự tham gia tích cực, đạt kết quả tốt của Việt Nam trong các hoạt động Gìn giữ Hòa bình nói chung và hoạt động của lực lượng cảnh sát nói riêng, mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong vấn đề này.
Tại sự kiện tôn vinh những cống hiến và hy sinh của các lực lượng “mũ nồi xanh” nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày quốc tế Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc (29/5/1948-29/5/2023), tổ chức tháng Năm vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng, xung đột leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc được xem là điểm tựa an toàn và hy vọng của người dân tại nhiều quốc gia và là biểu tượng của chủ nghĩa đa phương.
Trong thành tích tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có sự đóng góp rất quan trọng của các nữ quân nhân, sỹ quan Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân Việt Nam.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã thay mặt Nhà nước Việt Nam nhận Huân chương Dag Hammarskjold – huân chương vì sự nghiệp hòa bình quốc tế cho các quân nhân hy sinh khi đang làm nhiệm vụ dưới ngọn cờ Liên hợp quốc trong năm 2022 – do Tổng Thư ký trao tặng cho liệt sỹ, Trung tá Đỗ Anh.
Những đóng góp và thành công trên chặng đường đã qua là minh chứng rõ ràng cho thấy việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình quốc tế là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương.
Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình tại các phái bộ để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời đại mới; nêu bật lòng dũng cảm, tinh thần tự lực, tự cường và cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo của các lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trong triển khai nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự gần gũi, gắn bó, hết lòng giúp đỡ người dân địa phương, tạo hình ảnh lực lượng “mũ nồi xanh” của Việt Nam thực sự là “sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị.”
Bên cạnh đó, việc tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình quốc tế cũng giúp Việt Nam chủ động xây dựng lực lượng, tâm thế sẵn sàng ứng phó, giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt,… trong nước khi có tình huống xảy ra./.