Năm 2023, tổng thu NSNN của TP Móng Cái đạt 4.880 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 2.285 tỷ đồng, tăng 83,8% so với năm 2022. Đây là số thu cao nhất từ trước đến nay. Kết quả trên minh chứng cho sự chỉ đạo tập trung của thành phố trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu, phân cấp công khai, minh bạch và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trên địa bàn thành phố. Đó cũng chính là thành phố đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trong lĩnh vực thu NSNN năm 2023.
Hiệu quả từ quy chế dân chủ
Thành phố biên giới Móng Cái là địa phương chịu ảnh động của đại dịch Covid-19, cũng như nhiều yếu tố khách quan khác, như: Một số quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa hoàn thành; cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong cùng một thời điểm, Thành phố vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh chưa có trong tiền lệ, vừa phải tập trung xử lý một khối lượng lớn các tồn đọng, vướng mắc kéo dài từ nhiều năm trước; phát sinh khó khăn mới trong việc điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phía Trung Quốc… dẫn tới nguồn thu ngân sách nhà nước không ổn định.
Năm 2023, TP Móng Cái được tỉnh giao thu ngân sách nhà nước 1.570 tỷ đồng và nguồn thu nội địa này được giao theo từng năm. Vậy nên, ngay từ khi được giao kế hoạch về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và lấy dân chủ, công khai tài chính trong thu ngân sách nhà nước làm nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Hết năm 2023, tổng thu NSNN của TP Móng Cái đạt 4.880 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 2.285 tỷ đồng, tăng 83,8% so với năm 2022.
Kết quả trên cho thấy việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được Móng Cái hết sức chú trọng. Thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng phân tích, dự báo những khó khăn, thách thức đối với từng ngành, lĩnh vực để có giải pháp phù hợp, kịp thời phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Ngành Thuế đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung đánh giá, phân tích, dự báo những yếu tố ảnh hưởng tới nguồn thu; rà soát các khoản thu, các nguồn thu tiềm năng… từ đó, tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác, chống thất thu để bù đắp các khoản hụt thu do tác động của những nguyên nhân khách quan; đồng thời tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thành phố đặc biệt chú trọng đến vai trò của công tác dân chủ cơ sở. Từng tháng, từng quý đều công khai minh bạch các nguồn thu, tiến độ cũng như việc phân công, giao và gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị được giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Nhờ vậy đã giúp cho việc thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt được kết quả cao so với dự toán tỉnh giao.
Từ sự chỉ đạo kịp thời bằng các giải pháp đồng bộ gắn với dân chủ, công khai tài chính về thu ngân sách thu ngân sách nhà nước của thành phố, ngành thuế thành phố đã theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tập trung vào các khu vực kinh tế, các sắc thuế cơ bản để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.
Việc công khai ngay từ đầu năm về các biện pháp quản lý nguồn thu, chống thất thu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cộng với sự minh bạch và dân chủ trong huy động, phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước đã góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển các lĩnh vực trên địa bàn Móng Cái. Năm 2023, các nguồn vốn được ưu tiên bố trí hợp lý, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân sang các dự án khác để thanh toán khối lượng hoàn thành, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới… nên công tác giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cũng đã dần khắc phục được những tồn tại trước đó.
Với cách làm bài bản, sáng tạo của Móng Cái nên những thách thức về sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như những rủi ro về môi trường kinh tế trong nước và quốc tế đã được hạn chế tối đa. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã được chính quyền các cấp của TP Móng Cái thực hiện quyết liệt.
Cùng với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cũng đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Từ đó đã tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.
Tận dụng thời cơ
Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước của TP Móng Cái đã giúp địa phương chủ động rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Từ đó tiết giảm được chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Song song với đó Móng Cái đã tận dụng thời cơ, xúc tiến, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành kinh tế có lợi thế. Thành phố đã thu hút mới 01 dự án dệt nhuộm vào KCN Hải Yên (Công ty TNHH Dệt nhuộm Khánh Nghiệp Việt Nam) với diện tích 0,45ha, vốn đầu tư 12 triệu USD, công suất 24.200 tấn sợi/năm; làm việc với Công ty XNK Liên Thái Bình Dương (IPPG) xúc tiến đầu tư xây dựng Khu tổ hợp dịch vụ, thương mại tổng hợp trên địa bàn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, thành phố đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FDI thứ cấp vào KCN; thẩm định hồ sơ đăng ký đầu tư, hoàn thiện thủ tục đất đai, quy hoạch và xây dựng; trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương thu hút và cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đúng quy định.
Thành phố chú trọng lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, tạo sự lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Lập hồ sơ đề nghị thực hiện một số dự án động lực như: Dự án Nhà ở xã hội tại phường Hải Yên; Dự án Mở rộng Khu bến bãi tại Km3+Km4 sông Ka Long, phường Hải Yên; dự án Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ thương mại tại phường Hải Hòa (Giai đoạn II).
Thành phố cũng tập trung phát triển các ngành kinh tế có lợi thế. Năm 2023 thành lập mới 215 doanh nghiệp, trong đó có 215 công ty, 78 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 22,2% so với năm 2022; thu hút thêm 599 doanh nghiệp XNK (tăng 281 doanh nghiệp so năm trước), nâng tổng số doanh nghiệp làm thủ tục XNK trên địa bàn lên 1.028.
Tổng trọng lượng hàng hóa XNK đạt 1.625.000 tấn, tăng 71,3% so năm 2022; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4.508 triệu USD, tăng 28% năm 2022; khách du lịch đến Thành phố đạt trên 2,5 triệu lượt người, tăng trên 130% năm 2022, tăng trên 90% KH Tỉnh giao; nộp ngân sách nhà nước về DVDL đạt trên 110 tỷ đồng, tăng trên 140% năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 10.200 tỷ đồng, tăng 15,5% năm 2022.
Năm 2024, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bứt phá hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIV, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, thành phố xác định chủ đề công tác năm 2024 là: “Hoàn thành các quy hoạch, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Móng Cái”.
Theo đó trong thu NSNN thành phố điều hành ngân sách theo nguyên tắc “có thu thì mới có chi”, rà soát, đánh giá kỹ cơ cấu nguồn thu, các chính sách thu; rà soát nguồn thu, thu dứt điểm phí, thuế, thu nợ tiền thuê đất, chậm trả tiền sử dụng đất; khai thác hiệu quả hết các nguồn thu, nhất là thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, đất nuôi trồng thủy sản, thu hoa lợi công sản từ quỹ đất công ích, quỹ đất công, thuê mặt nước hàng năm, phí lệ phí, thu ngoài quốc doanh… Nuôi dưỡng các nguồn thu ổn định vững chắc, nghiên cứu đề xuất Tỉnh có cơ chế điều tiết nguồn thu; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 của HĐND Tỉnh (triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại các phường trung tâm, các tuyến đường đủ điều kiện); tập trung hoàn thành và thực hiện Đề án tự đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách của Thành phố; cân đối nguồn hoàn trả Quỹ bảo vệ môi trường và phát triển của Tỉnh. Phấn đấu tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 4.500 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (thu nội địa) phấn đấu đạt và vượt dự toán tỉnh giao; thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu được giao; tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 35% trở lên trong tổng chi ngân sách; tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thành phố tăng trên 12%; thành lập mới từ 200 doanh nghiệp trở lên.