Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, Móng Cái thực sự là điểm đến hấp dẫn không chỉ từ các sản phẩm du lịch độc đáo mà còn thu hút du khách bởi những điểm đến mang đậm nét văn hoá, tâm linh, các hoạt động lễ hội vui xuân.
Trên hành trình du xuân những ngày đầu xuân mới, hàng nghìn phật tử, nhân dân và du khách đã tới dâng hương, lễ phật, cầu mong sự bình an nơi chốn linh thiêng: Đền – Chùa Xã Tắc, đình Trà Cổ, chùa Linh Sơn, chùa Xuân Lan,… Đi lễ chùa, ngoài việc cầu mong sự bình an, những điều may mắn, còn là dịp để du khách du xuân, vãng cảnh những di tích lịch sử, những ngôi chùa linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Tọa lạc bên bờ sông Ka Long, Đền – Chùa Xã Tắc là một trong những điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của TP Móng Cái. Ngôi đền có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền nơi biên giới quốc gia, khắc ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, năm 2020, đền Xã Tắc đã được công nhận là di sản cấp Quốc gia, là “cột mốc” văn hóa trường tồn nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.
Đình Trà Cổ, ngôi đình có niên đại xây dựng vào thế kỷ XVII, thuộc khu Nam Thọ, phường Trà Cổ là một trong 15 điểm du lịch hấp dẫn của TP Móng Cái. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc độc đáo, di tích đình Trà Cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trà Cổ gắn với phát triển điểm đến du lịch đã được định hình, khẳng định thương hiệu, điểm đến đình Trà Cổ trên bản đồ du lịch TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Hàng năm, đình Trà Cổ thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.
Cùng với du xuân, vãng cảnh đầu năm mới tại các điểm đến tâm linh, hoạt động lễ hội đầu xuân tại Móng Cái cũng thu hút đông đảo nhân dân và du khách: Lễ hội đền Xã Tắc; Lễ hội đình Vạn Ninh; lễ hội đình Dân Tiến; Lễ hội đình Quất Đông… với những nét văn hoá độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Cùng với di tích đình Vạn Ninh, Lễ hội đình Vạn Ninh là lễ hội truyền thống, mang đầy đủ những nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, là biểu trưng của nền văn hóa Việt nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc. Lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh được tổ chức từ mùng 10 đến 11 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, quy củ với phần lễ có các hoạt động như: Lễ cáo yết, lễ rước thần, lễ tế… và phần hội với nhiều hoạt động phong phú gồm: Hát nhà tơ – hát, múa cửa đình, hát đối, các trò chơi bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đá bóng, kéo co… Lễ hội đình Vạn Ninh được Bộ VH, TT&DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 11/2023.
Hiện nay, TP Móng Cái có 1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 12 di tích lịch sử cấp tỉnh trong tổng số 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Móng Cái. Ngoài ra, Móng Cái còn có 40 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, phân loại, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ; Hát nhà tơ – hát múa cửa đình; Lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh. Đây là những “cột mốc văn hóa” trường tồn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, đặc biệt trong dịp lễ hội xuân.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có hơn 260.000 lượt khách đến Móng Cái. Riêng từ đầu xuân Ất Tỵ đến nay, đã có hơn 120.000 lượt khách đến Móng Cái du xuân, tham gia các lễ hội đầu năm.