Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, là cơ hội thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh cho đàn vật nuôi phát triển. Để đảm bảo sản lượng thịt cho dịp cuối năm, hiện bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, thì công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn TP Móng Cái cũng đang được tích cực triển khai.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Móng Cái ước khoảng 233.100 con. Trong đó, trâu là 4.100 con, bò 8.300 con, lợn 23.500 con, gia cầm 197.200 con. Mặc dù không ghi nhận tình hình dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, song việc chủ động phòng dịch bệnh vẫn được ngành nông nghiệp thành phố chủ động triển khai, nhất là trong điều kiện thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp, dễ phát sinh nhiều dịch bệnh.
Ngày 16/10 vừa qua, Móng Cái cũng đã ban hành văn bản số 3249/UBND về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật và tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố. Trong đó, việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi cũng được đặc biệt quan tâm. Móng Cái là địa phương đã tiêm thử nghiệm vắc xin phòng dịch tả lợn Châu Phi đầu tháng 8 vừa qua với gần 2.400 con lợn của 180 hộ trên địa bàn 4 xã, phường Hải Xuân, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, tới nay không ghi nhận dịch trên các hộ này. Từ kết quả đó, nhiều hộ chăn nuôi cũng đã chủ động liên hệ với cán bộ thú y địa phương để tìm hiểu về vắc xin và thực hiện tiêm chủng cho đàn lợn của mình.
Hợp tác xã Sản xuất Thực phẩm An toàn và Dịch vụ Nông lâm ngư Hoàng Nam, hiện đang có 200 con lợn nái và trên 1.000 con lợn thịt (là một trong những cơ sở chăn nuôi giống lợn Móng Cái có quy mô lớn trên địa bàn toàn thành phố). Mặc dù hiện không còn ổ dịch được ghi nhận trên địa bàn, nhưng hợp tác xã này vẫn duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từ việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi định kỳ hàng tuần, cho đến tiêm vắc xin nhắc lại cho đàn lợn trưởng thành cũng như tiêm mới cho đàn lợn con ngay khi đến đủ tuần tuổi.
Bà Bùi Thị Mỹ Lệ, Giám đốc hợp tác xã, cho biết: Đối với vắc xin tả lợn Châu Phi, chúng tôi cũng là một trong những cơ sở đã được thực hiện tiêm thử nghiệm trong tháng 8 vừa qua. Mặc dù kết quả đạt được rất khả quan, song chúng tôi cũng không vì vậy mà lơ là các biện pháp phòng chống dịch khác. Hợp tác xã chúng tôi luôn quán triệt nghiêm túc tới từng thành viên việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh việc chủ động phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi, thời tiết giao mùa cũng là điều kiện thuận lợi cho vi-rút, vi khuẩn phát triển, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và bùng phát nhiều loại dịch bệnh. Bên cạnh tích cực tổ chức tiêm chủng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, Móng Cái cũng tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn thành phố, giao trực tiếp cho cán bộ thú y các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận; chủ động vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi… trước khi ra, vào cơ sở. Cùng với đó, các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi.
Bà Lê Thuý Hằng, Cán bộ thú y phường Hải Yên, cho biết: Từ ngày 30/10 – 30/11, địa phương sẽ triển khai tiêm các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Sau đó sẽ tiến hành rà soát, tiêm vét từ ngày 1 – 5/12, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tối đa có thể. Đồng thời, để chuẩn bị cho mùa đông, chúng tôi cũng hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tu sửa chuồng trại đảm bảo khô ráo, không bị mưa tạt, gió lùa; đồng thời tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái cho biết thêm: Thành phố cũng sẽ chú trọng việc giám sát phát hiện dịch bệnh sớm nếu có phát sinh trên địa bàn, xử lý gọn ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y, yêu cầu các xã, phường báo cáo các trường hợp vi phạm trong công tác tiêm phòng, trốn tránh việc tiêm phòng đối với các bệnh thuộc danh mục phải tiêm phòng; lập biên bản những hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm nuôi gửi về cho UBND các xã, phường xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đã đạt được khoảng 50% trên tổng đàn. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai tiêm chủng, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo tính toán, nhu cầu thịt tiêu thụ riêng tháng Tết sẽ tăng từ 10-15%. Quảng Ninh cũng là địa phương nhập phần lớn thịt từ các tỉnh ngoài. Để đảm bảo cân đối nguồn cung, Sở NN&PTNT cũng đã khuyến cáo các địa phương tập trung phòng tránh dịch bệnh tốt để đảm bảo tổng đàn không bị hao hụt.