Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh những tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc. Trong những lần về thăm và làm việc với tỉnh, đồng chí Tổng Bí thư luôn mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Cụ thể hoá những mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư đối với tỉnh, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, gỡ bỏ những “nút thắt” trong phát triển KT-XH, kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho vùng khó. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Đặc biệt phải kể đến là Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Tính đến nay, tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, như: Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An, đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); đường giao thông kết nối từ QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn, đường nối QL18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C (huyện Bình Liêu)… Các công trình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Bà Chíu Sán Múi (thôn Yên Sơn, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) phấn khởi chia sẻ: Người dân chúng tôi không khỏi xúc động và vui mừng khi được đi trên những con đường to đẹp, khang trang, thênh thang không khác những tuyến đường ở các đô thị lớn. Thêm một con đường được mở là thêm những cơ hội, những lựa chọn mới, tương lai mới trong kết nối, giao thương hàng hóa.
Tỉnh cũng quan tâm dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đồng bộ, hoàn thành việc hỗ trợ mỗi huyện xây dựng một trường công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã xây dựng một trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.
Tính đến nay, nhiều trường đã và đang được nâng cấp, cải tạo, xây mới, hoàn thiện và đưa vào sử dụng như Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long), Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Trường PTDT Nội trú Ba Chẽ, Trường TH&THCS Vạn Yên (huyện Vân Đồn), Trường Tiểu học Đông Ngũ (huyện Tiên Yên)… Qua đó, góp phần tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, đáp ứng được kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” ở tất cả các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đầu tư hạ tầng, kéo gần khoảng cách vùng miền, một trong những nhiệm vụ căn bản được Quảng Ninh quan tâm thực hiện là thay đổi tư duy của người dân, khơi dậy ý chí làm giàu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tỉnh luôn kiên trì với phương châm chuyển từ “cho không” sang “cho vay” tạo nguồn lực cho người dân phát triển sản xuất, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc sử dụng vốn. Trong 3 năm qua, tỉnh huy động trên 114.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Điểm khác biệt là NSNN đầu tư trực tiếp và vốn NSNN lồng ghép chỉ chiếm khoảng 16%, vốn huy động xã hội hóa chiếm đến 84% (chủ yếu từ vốn tín dụng chiếm tới 82,5%). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn các xã khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 1.805,3 tỷ đồng, với 25.894 lượt người dân còn dư nợ, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, khơi dậy ý chí làm giàu trên chính quê hương mình. Qua đó, hết năm 2023, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.
Quảng Ninh cũng đã xây dựng, ban hành và triển khai quy định chuẩn nghèo mới với tiêu chí thu nhập của hộ nghèo trong tỉnh cao hơn so với Trung ương khoảng 1,4 lần (Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh). Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đã bố trí từ ngân sách cho 21 hộ nghèo, 258 hộ cận nghèo vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền 25 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa thu nhập bình quân người dân vùng nông thôn đạt từ 73,348 triệu đồng/người/năm (năm 2023) lên trên 100 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024, giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4/7 huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Bình Liêu là huyện DTTS, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Đầm Hà, Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao)…
Những thành quả đã đạt được trong hành trình không ngừng nỗ lực chăm lo cho người dân sẽ tiếp thêm sức mạnh mới, động lực mới, khí thế mới để Quảng Ninh tiếp tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa như lời chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm, làm việc với tỉnh vào ngày 6/4/2022: “Chúc Quảng Ninh tiến thật xa. Quảng Ninh như thế mới là Quảng Ninh”.