Vịnh Hạ Long được ghi vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO bởi giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thẩm mỹ (tiêu chí vii) vào năm 1994, ghi danh mở rộng về giá trị địa chất, địa mạo (tiêu chí viii) vào năm 2000. Và vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 45 (tháng 9/2023), Ủy ban Di sản thế giới đã phê duyệt điều chỉnh lớn ranh giới Di sản thế giới Vịnh Hạ Long gộp cả Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) trở thành Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà trong Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (vii) và (viii). Đây là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Đảm bảo tính toàn vẹn của di sản
Vịnh Hạ Long là một trong những di sản nổi tiếng nhất trên thế giới. Ngay từ năm 1993, khi đánh giá về hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã khuyến nghị: “…Cần bổ sung vào khu vực này các đảo đá liền kề với đảo Cát Bà, là một phần của Vườn Quốc gia nhưng lại được tìm thấy ở địa phận giáp ranh Hải Phòng”.
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long đã được quốc tế ghi danh, hoàn toàn tương đồng với những đặc điểm mà Quần đảo Cát Bà đang sở hữu. Theo đánh giá của IUCN, những đặc điểm tương đồng về địa mạo ở Cát Bà là một phần không thể thiếu của Vịnh Hạ Long mở rộng, do đó, việc mở rộng ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long gồm cả Quần đảo Cát Bà giúp bổ sung các giá trị và khẳng định thêm tính toàn vẹn của di sản Vịnh Hạ Long đã được UNESCO ghi danh; đồng thời giúp tăng cường các giải pháp quản lý hệ sinh thái biển đặc trưng của Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà.
Ông Huỳnh cũng cho hay, đề xuất mở rộng ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long gồm cả Quần đảo Cát Bà đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức, cơ quan chuyên môn quốc tế, như: Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, IUCN, ICOMOS, các quốc gia thành viên Uỷ ban Di sản thế giới tại các chương trình làm việc của Đoàn Việt Nam với các tổ chức này để cung cấp thông tin nhằm làm rõ thêm các yêu cầu về quản lý, bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà sau khi mở rộng ranh giới.
Với uy tín của di sản thế giới Vịnh Hạ Long, sự ủng hộ của quốc tế, sự cam kết của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, ngày 16/9/2023, tại kỳ họp lần thứ 45, đề xuất mở rộng ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long gồm cả Quần đảo Cát Bà đã được Uỷ ban Di sản thế giới phê duyệt thông qua tại Quyết định số 45 COM 8B.3 Rev, trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Đây là niềm tự hào chung của Việt Nam cũng như với mỗi địa phương trong vùng di sản.
Cơ hội mới, thách thức mới
Xét về yếu tố tự nhiên, di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là một quần thể không thể tách rời. Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quần đảo Cát Bà là một phần của Vịnh Hạ Long mở rộng, nằm trong thực thể địa lý Vịnh Hạ Long với đặc trưng là hàng trăm đảo đá nhô lên trên mặt nước trong xanh, trong đó lớn nhất là đảo Cát Bà.
Xét về góc độ quản lý di sản, việc đảm bảo tính toàn vẹn của khu di sản thế giới là một trong những yêu cầu bắt buộc của công tác quản lý, theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước quốc tế 1972 của UNESCO. Do đó, quyết định điều chỉnh lớn ranh giới Di sản thế giới Vịnh Hạ Long gộp cả Quần đảo Cát Bà trở thành Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà trong Danh mục Di sản thế giới theo tiêu chí (vii) và (viii) đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ di sản thế giới, nhằm từng bước hướng tới sự thống nhất trong công tác phối hợp quản lý và bảo vệ khu vực biển đảo này.
Sau khi điều chỉnh ranh giới, diện tích khu vực Di sản thế giới tăng từ 434km2 lên 656,5km2; vùng đệm tăng từ 306,5km2 lên 341,4km2; số đảo trong khu vực di sản thế giới tăng từ 775 đảo lên 1.133 đảo.
Cùng với niềm vui trong tâm thế mới, cơ hội phát triển mới thì theo ông Huỳnh cũng có không ít khó khăn đặt ra đối với những người làm công tác quản lý Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, bởi hiện nay ở nước ta chưa có quy định đối với cơ chế quản lý di sản liên tỉnh.
Thêm nữa, ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được mở rộng đến đảo Long Châu (đảo nằm tách biệt so với quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long qua vùng biển rộng khoảng 11km), với điều kiện khí hậu thủy hải văn phức tạp (sóng biển thường xuyên ở cấp 4 đến cấp 6), không thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra trong khu vực di sản thế giới thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng – hai địa phương phát triển năng động bậc nhất của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Bên cạnh đó còn có những áp lực mà công tác bảo vệ và quản lý di sản sẽ phải đối mặt sau mở rộng ranh giới, như: Sự phát triển hoạt động du lịch trên quy mô lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường, áp lực từ các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, các tác động từ sức hấp dẫn, tiềm năng khai thác kinh tế của di sản…
Từ thực tiễn công tác quản lý Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh những năm qua cho thấy, mặc dù có quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương nhưng việc quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, thiết nghĩ cần sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa hai địa phương trong vùng di sản và thành lập Ban Điều hành quản lý di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà…