Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, đến nay mới có 28/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình 120 nghìn tỷ đồng (nhằm mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội) với 68 dự án; trong đó có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Cũng theo nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp, dù đã được các ngân hàng tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cũng như phổ biến điều kiện để có thể tiếp cận gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, song do vẫn có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội khiến họ chưa thực sự “mặn mà” với gói tín dụng này. Mặt khác, những giới hạn về tỷ suất lợi nhuận cũng khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn các loại hình nhà ở thương mại khác.
Hướng tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, không phải là vốn tín dụng chính sách. Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. “Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội dẫn đến có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đến nay, qua tổng hợp của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), mới có 28/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình 120 nghìn tỷ đồng với 68 dự án; trong đó một số tỉnh, thành phố đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)…; trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu tư dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 dự án nhà ở xã hội, cam kết cho vay 2.500 tỷ đồng và đã giải ngân 400 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 5 dự án mới, với tổng số tiền khách hàng vay khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank Đỗ Thanh Sơn chia sẻ, VietinBank đã tham gia 8 dự án (trong đó có 5 dự án đã cấp vốn, đã giải ngân khoảng 427 tỷ đồng) trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn theo gói hỗ trợ này. “VietinBank rất mong muốn thực hiện cho vay hỗ trợ, tuy nhiên còn phụ thuộc nhu cầu tín dụng của khách hàng khi nhiều khách hàng sử dụng vốn tự có”, ông Đỗ Thanh Sơn cho hay.
Theo Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm, thực tế các ngân hàng rất muốn cho vay và luôn tìm kiếm, tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân gói tín dụng này. Ngay khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến chi nhánh trong toàn hệ thống, nhưng còn nhiều thủ tục có những vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiếp cận 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng. “Con số phê duyệt đợi giải ngân lớn hơn nhiều nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa có nhu cầu giải ngân bởi muốn dùng vốn tự có trước”, ông Lê Ngọc Lâm cho biết.
Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nhìn nhận, sau khi nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã nhanh chóng triển khai các chương trình công bố sản phẩm, truyền thông rộng rãi về gói hỗ trợ này. Cho đến nay, ngân hàng đang tiếp cận khoảng 21 dự án, bao gồm cả các dự án đã đủ các điều kiện pháp lý và các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Vietcombank cũng đã ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng, với quy mô tín dụng khoảng 500 tỷ đồng. Hiện chưa phát sinh dư nợ, song theo dự kiến đến cuối tháng 6/2024, dư nợ sẽ đạt khoảng 50 tỷ đồng và đến hết năm 2024 là 900 tỷ đồng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Chương trình 120 nghìn tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc, thực tế qua thời gian triển khai, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc chính cần tháo gỡ. Đó là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số địa phương còn chưa công bố danh mục dự án tham gia chương trình mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác).
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án cũng nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án. Nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng… vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài. Do đó ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, các địa phương có giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội thì doanh nghiệp mới thực hiện đầu tư, giải ngân vốn mới nhanh. Còn theo ý kiến của đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng, lãi suất cho vay của gói 120 nghìn tỷ đồng còn cao. Hiện mức lãi suất cho vay bình thường là 8-9%/năm nhưng lãi suất của gói vay này đã là 7-8,2%/năm. Mức lãi suất này theo doanh nghiệp là chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường, do đó đề nghị ngân hàng xem xét giảm mức lãi suất xuống thấp hơn nữa để doanh nghiệp “mặn mà” hơn với việc vay vốn.