Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tăng tại nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, mức tăng chưa đột biến và cao nhất 7,2% kỳ hạn 24 tháng.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, trong 6 tuần (từ 6/1-14/2), bảng lãi suất huy động của 36 ngân hàng ghi nhận 7/36 ngân hàng tăng lãi suất, 3 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.
Eximbank tăng mạnh 0,9% kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy và online lên mức 5,2% và 5,4%/năm. Các kỳ hạn từ 12-36 tháng online cũng tăng mạnh từ 0,4-1,0%/năm lên mức 5,6 – 6,6%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 6,6%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online, cũng là mức cao nhất hệ thống với số tiền dưới 200 tỷ.
BVBank tăng 0,32% kỳ hạn 36 tháng tại quầy lên mức 6,32%/năm. Các kỳ hạn từ 15-24 tháng online tại ngân hàng này hiện được niêm yết mức lãi suất cao trong hệ thống là 6,25-6,45%/năm, cũng là mức cao nhất ở ngân hàng này.
Các ngân hàng tăng lãi suất còn lại với chỉ từ 0,1-0,3%/năm, gửi tại quầy và online bao gồm: BaoVietBank, Vietbank, Kienlongbank, VietABank, BIDV.
Có 3 ngân hàng giảm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn từ 1-36 tháng, tại quầy và online, gồm: BacABank, NCB và TPBank.
Ghi nhận 2 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất với chỉ 0,1-0,2% các kỳ hạn 1-12 tháng, cả tại quầy và online, gồm: ABBank và Techcombank.
Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán MBS, tính đến cuối năm 2024, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại đạt mức 5,1%/năm (cao hơn 20 điểm cơ bản so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước giữ ở mức 4,7%. Nhóm phân tích dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục đi ngang hoặc tăng nhẹ, dao động quanh mức 5-5,2% trong năm nay.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1, lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1-0,2/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng. Kỳ hạn 6-12 tháng, lãi suất 4,4-5,3%/năm; kỳ hạn 12-24 tháng, lãi suất từ 6,9-7,2%/năm.
Lãi suất cho vay đối khoản vay mới và dư nợ cũ ở mức 6,7-9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 24/2, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện các tổ chức tín dụng tuân thủ việc niêm yết lãi suất huy động. Các ngân hàng có tăng lãi suất huy động để huy động vốn cân đối với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, vị này khẳng định, mức tăng lãi suất không đột biến và chỉ có một vài ngân hàng tăng cao hơn các ngân hàng khác. Với lãi suất cho vay, các ngân hàng đang cố gắng đưa ra các gói lãi suất hấp dẫn để thúc tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, từ đầu năm đến nay chưa có đoàn kiểm tra nào của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến lãi suất huy động, tuy nhiên thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.