Miếu Đức Ông là một phần quan trọng của Cụm di tích lịch sử văn hoá quốc gia đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn và là trung tâm của Lễ hội truyền thống Vân Đồn hàng năm.
Miếu Quan Lạn còn gọi là miếu Đức Ông thờ tướng Phạm Công Chính, người anh trai cả của hai tướng Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công. Tương truyền rằng, ba vị tướng họ Phạm là ba anh em ruột. Khi quân Nguyên xâm lược nước ta năm 1827, ba ông đã chỉ huy dân binh địa phương cùng quân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đánh địch tại cửa Gót.
Dù quân dân nhà Trần đã chiến thắng oanh liệt nhưng cả ba ông đã hy sinh. Xác của ba ông trôi dạt vào bờ ở ba nơi khác nhau. Ông Phạm Công Chính người anh cả trôi dạt vào doi cát phía nam, vị trí ông nằm là điểm xây dựng miếu trên đảo Quan Lạn ngày nay. Ông Phạm Thuần Dụng trôi dạt vào bờ lui về phía nam cách thân thể anh trai khoảng gần 3km nay là miếu Đồng Hồ (cách cồn Đồng Lĩnh chừng 200m). Xác ông Phạm Quý Công trôi vào bờ dưới chân ngọn núi Sao Ỏn ngay cạnh bên dòng sông Mang.
Ba anh em họ Phạm đều được các triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong thần, giao nhân dân địa phương phụng thờ. Trong đó, tướng Phạm Công Chính được sắc phong là “Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, đô đông hầu dực bảo trung hưng”.
Miếu Quan Lạn là một biểu tượng văn hoá tâm linh, một thiết chế văn hoá tín ngưỡng và là trung tâm sinh hoạt văn hoá của nhân dân xã đảo Quan Lạn. Đây là nơi diễn ra Lễ hội chèo bơi Quan Lạn vào ngày 18/6 âm lịch hàng năm.
Theo các cụ già kể lại, miếu Quan Lạn được xây dựng ban đầu bằng cỏ tranh vách trát bằng đất. Về sau, các bô lão làng Liễu Mai huy động nhân lực xây lại khá lớn rộng tới 5 gian tại Cái Làng. Khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, miếu lại được trùng tu lại, quay theo hướng của đình và chùa cùng nằm trên một trục ngang. Ngôi miếu khá bề thế với các đầu đao chạm rồng. Bên trong các đầu xà đầu bẩy đều được chạm hoa văn rồng phượng, tùng, trúc v.v.. Ngoài sân có cây phi lao cổ thụ đến vài trăm tuổi. Thời gian, chiến tranh, miếu bị xuống cấp không được tu sửa, cho đến năm 2001, miếu mới lại được trùng tu với tam quan trên có tượng bán thân Phạm Công Chính hình dáng lúc ngài xung trận. Trong miếu có bức đại tự “Hải bất dương ba” (biển không nổi sóng).
Miếu Quan Lạn cùng đình, chùa Quan Lạn đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, tưởng nhớ công ơn của ba anh em họ Phạm, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, huyện Vân Đồn phối hợp cùng các sở, ngành liên quan lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích miếu Quan Lạn từ nguồn vốn xã hội hóa. Giá trị dự toán xây dựng công trình trên 10 tỷ đồng. Thời gian thực hiện tu bổ từ tháng 2/2023 đến tháng 7/2023 do Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình văn hóa Tâm Đức chủ đầu tư, cũng là đơn vị tài trợ và tiếp nhận tài trợ công trình. Công trình được thi công đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo quy trình và an toàn tuyệt đối, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ xây dựng công trình.