Phó Quản đốc Phân xưởng sản xuất, Đội trưởng Đội cơ khí, Công ty CP Cơ khí Hòn Gai – Vinacomin Mai Văn Quyền vừa vinh dự là một trong 95 công nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh (năm 2023) trong dịp phát động Tháng Công nhân năm 2024 vừa qua.
32 năm trong nghề, anh Quyền luôn là tấm gương sáng trong công ty, đảm bảo ngày công, giờ công, năng suất lao động; có tinh thần trách nhiệm cao với phong trào thi đua của đơn vị, đoàn kết, nhiệt tình, gương mẫu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, anh cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân, đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của Công ty CP Cơ khí Hòn Gai với nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao. Tiêu biểu như sáng kiến “Chế tạo các bộ dưỡng tháo lắp vòng bi cặp trục bánh xe 30 tấn” được đưa vào sử dụng tháng 11/2023 đã góp phần đưa anh lên bục vinh dự nhận bằng khen của UBND tỉnh.
Anh Quyền cho biết: Trước đây, để tháo lắp được vòng bi của cụm trục bánh toa xe 30 tấn, hoặc các chi tiết lắp ghép với trục thường phải mượn máy hoặc làm thủ công. Những trường hợp bị han gỉ hay kẹt cứng, thợ sửa chữa phải làm thủ công, mất rất nhiều thời gian và công sức, lại mất an toàn. Bình quân mỗi ngày nhóm thợ chỉ có thể tháo lắp được 3 vòng bi. Để giải quyết vấn đề này tôi đã tìm tòi, nghiên cứu chế tạo ra bộ dưỡng tháo lắp vòng bi giúp việc tháo lắp vòng bi cặp trục bánh xe 30 tấn đơn giản, dễ dàng hơn.
Khi áp dụng bộ dưỡng tháo lắp vòng bi cặp trục bánh xe 30 tấn vào thi công, việc thực hiện nhanh, mất ít thời gian và công sức của thợ sửa chữa, lại an toàn, do tính toán được hướng ảnh hưởng, cũng như không phải trực tiếp thao tác. Bình quân mỗi ngày, 2 thợ có thể tháo lắp được 20 vòng bi. Bên cạnh đó có thể tháo lắp được các loại vòng bi xe 30 tấn, bộ dưỡng tháo lắp này còn có thể sử dụng tháo lắp vòng bi các phụ tùng cụm máy nghiền, phụ kiện xe 3 tấn, tháo các cụm bơm, cụm chi tiết máy…
Nhờ đó, Công ty CP Cơ khí Hòn Gai đã không phải thuê thiết bị tháo lắp vòng bi bên ngoài, đảm bảo tiến độ thi công sửa chữa, tiết kiệm thời gian, nhân lực tháo lắp các cụm chi tiết. Đồng thời, thay thế việc nhập khẩu thiết bị; giá trị làm lợi cho công ty từ sáng kiến là trên 700 triệu đồng.
Cùng với sáng kiến trên, mới đây anh Quyền đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Chế tạo máy tán rive bằng thủy lực” có giá trị làm lợi 800 triệu đồng. Đây được coi là sáng kiến giá trị để chào mừng Tháng Công nhân của anh và Phân xưởng sản xuất.
Trước đó, khi chưa chế tạo được máy tán rive bằng thủy lực, công nhân phải tán rive bằng phương pháp thủ công để lắp vào toa xe chở than 30 tấn, 4 thợ trong một ngày chỉ tán được rive cho 2 xe kéo. Từ khi sáng kiến của anh Quyền được đưa vào áp dụng, công ty đã có thể chủ động được về mặt thiết bị, giảm nhân lực, tăng năng suất lên gấp 8-9 lần. Tiết kiệm tiền nhập khẩu máy, bởi nhập khẩu mất 450 triệu đồng/máy, việc tự chế tạo chỉ mất 100 triệu đồng/máy.
Ngoài hoạt động chuyên môn, anh Quyền cũng rất nhiệt tình trong việc tham gia các phong trào hoạt động do công đoàn tổ chức. Thường xuyên tham mưu, hướng dẫn lớp đoàn viên trẻ tích cực tham gia và tổ chức các chương trình hoạt động cho tổ, đội, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho lớp trẻ. Nhờ đó, nhiều năm liền anh Quyền đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đội Cơ khí của anh luôn có sự đoàn kết nhất trí cao, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được thực hiện. Qua đó năng suất luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Anh Quyền chia sẻ: Từ một công nhân, tôi đã học Đại học Bách khoa, chuyên ngành Chế tạo máy. Nhưng để giữ tôi lại với nghề đó chính là đam mê, tình yêu nghề, được làm việc mình thích, đúng chuyên môn, hiểu và nắm rõ việc “trong lòng bàn tay” nên tôi đã có những sáng kiến trong công tác, làm lợi cho công ty và đồng nghiệp của mình.