Ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xung kích đi đầu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong giai đoạn đổi mới, lực lượng TNXP Việt Nam nói chung, ở tỉnh Quảng Ninh nói riêng tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đầu những năm 50 của thế kỷ 20, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở vào thời điểm quyết liệt, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc tổ chức một lực lượng TNXP. Ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), gồm 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Sau đó, các Đội TNXP khác lần lượt ra đời, nhiệm vụ được giao là mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, khiêng thương, tải đạn, sát cánh với bộ đội, phục vụ chiến đấu, phục vụ chiến trường, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của chiến khu Việt Bắc.
Là miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, giữa năm 1967 tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổng đội TNXP tập trung mang phiên hiệu N78, với hơn 800 thanh niên tình nguyện. Nhiệm vụ chủ yếu của Tổng đội TNXP N78 là: Xây đắp công sự chiến đấu và công trình quốc phòng; trực chiến và chốt các trọng điểm giao thông; làm mới, sửa chữa đường; làm cầu, cống và cầu ngầm trên các tuyến giao thông nội tỉnh; bốc xếp vũ khí, hàng hóa tại các bến bãi, kho cảng… vừa phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Chiến tranh kết thúc, Tổng đội TNXP – N78 Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ trở về các địa phương, thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất tại quê nhà.
Đầu năm 1979, hơn 10.000 công nhân ngành Than, học sinh các trường học, thanh niên các địa phương được luân chuyển ra biên giới làm nhiệm vụ xây dựng trận địa bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ huy động 33.000 lao động thuộc TP Hải Phòng và tỉnh Hải Hưng tăng cường cho tỉnh Quảng Ninh, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu tại các địa phương biên giới. Các đơn vị tự vệ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn được thành lập tại các cơ quan, xí nghiệp, hầm mỏ, nhà máy, lâm trường… Với tinh thần quả cảm, kiên cường, các đơn vị tự vệ đã phối hợp với các lực lượng vũ trang anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng quan trọng năm 1979.
Trải qua các thời kỳ, lớp lớp thế hệ TNXP của Quảng Ninh đã hy sinh tuổi thanh xuân, vượt qua bao gian khổ, đau thương, mất mát, nhưng rất đáng tự hào. Những đóng góp của lực lượng TNXP Quảng Ninh đã khắc họa đậm nét hình ảnh của người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, anh dũng, kiên trung, bất khuất. Qua năm tháng, những TNXP ngày ấy giờ đã lên ông, lên bà vẫn tiếp tục phát huy, lan tỏa phẩm chất truyền thống trong gia đình và xã hội. Họ vẫn hăng say lao động sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giáo dục thế hệ trẻ sống có ý chí và nghị lực như thế hệ cha anh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 2.000 người sinh hoạt tại 37 hội, 47 chi hội. Dù tuổi cao nhưng các cựu TNXP vẫn luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; gương mẫu thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương, nhất là xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Cùng với các hoạt động phát triển KT-XH, Hội cựu TNXP tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội. Trong đó, đã tham mưu, đề xuất kịp thời, tham gia xây dựng chính sách và phối hợp giải quyết chế độ đối với cựu TNXP như hỗ trợ xác nhận liệt sĩ, thương binh; giải quyết chế độ cho cựu TNXP nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của cựu TNXP bị hậu nhiễm; trợ cấp một lần cho cựu TNXP còn sống và cựu TNXP đã từ trần; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để san sẻ, giúp đỡ hội viên nghèo, ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, trọng tâm là chương trình “Nghĩa tình đồng đội cựu TNXP Quảng Ninh”. Hiện hội đang duy trì, quản lý hiệu quả nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội” hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Ngoài ra, Hội Cựu TNXP tỉnh còn tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên, cùng nhiều chương trình thiết thực để gắn kết tình đồng đội. 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã tổ chức thăm hỏi gần 1.000 lượt hội viên ốm đau; tặng quà cán bộ, hội viên nhân dịp lễ, tết với tổng số số tiền trên 239 triệu đồng. Một số hội cấp huyện đã chủ động tổ chức hoạt động “về nguồn” thăm lại Điện Biên; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên và tặng quà hội viên.
74 năm cống hiến và trưởng thành, lực lượng TNXP Việt Nam nói chung, ở Quảng Ninh nói riêng đã viết nên những trang sử oanh liệt, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Họ mãi là niềm tự hào, là “ngọn lửa” truyền thống sáng mãi, cổ vũ thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.