Phim kinh dị “Ma da” thành công tạo được không khí rùng rợn, nhịp điệu nhanh, căng thẳng ngay từ đầu phim, song chưa đủ để thỏa mãn khán giả.
Do đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng “cầm trịch”, “Ma da” lấy cảm hứng từ truyền thuyết kinh dị dân gian Việt Nam ở vùng sông nước.
Phim xoay quanh bà Lệ (Việt Hương), một người phụ nữ làm nghề vớt xác người chết đuối ở ngôi làng nhỏ gần rừng ngập mặn Năm Căn. Sau khi chồng bất hạnh qua đời vì đuối nước, bà Lệ phải một mình nuôi con gái là bé Nhung (Dạ Chúc) ăn học.
Biến cố xảy đến khi bà Lệ vớt được xác của Hoàng (Hoàng Mèo), một người dân làng vốn giỏi bơi lội, lại hành nghề chài lưới đã lâu năm. Cái chết kỳ lạ khiến dân làng truyền tai nhau câu chuyện về “Ma da kéo giò”, liên quan đến “cô gái áo đỏ” ôm mối hận nhảy sông năm xưa, trở thành ma quỷ đi tìm những mục tiêu xấu số.
Lúc này, trên đường tới trường, bé Nhung vô tình nhặt được một con búp bê cũ bị bỏ lại ở bờ sông. Từ đây, hàng loạt hiện tượng lạ và những vụ đuối nước liên tục xảy ra, mẹ con Nhung trở thành đối tượng bị Ma da lựa chọn để mượn xác nhập hồn.
Mở đầu phim, “Ma da” gây ấn tượng bởi cú máy fly-cam bao trọn không gian vùng rừng ngập mặn đẹp đẽ mà u tịch, ẩn chứa đầy rẫy nguy cơ. Đặc biệt, trong màn đêm đen đặc, hình ảnh con người cặm cụi làm việc trên con thuyền nhỏ với ánh đèn leo lét càng trở nên nhỏ bé, cô độc giữa bạt ngàn sông nước.
Vốn có thế mạnh trong dòng phim thriller (ly kỳ, giật gân), đạo diễn thành công tạo nên bầu không khí rùng rợn, hồi hộp ngay từ đầu phim, khiến người xem vừa sợ hãi, vừa háo hức chờ đợi những tình tiết tiếp theo của câu chuyện.
Bên cạnh phần bối cảnh, khâu hóa trang, thiết kế tạo hình nhân vật cũng là một điểm cộng cho bộ phim. Tác phẩm khắc họa khá rõ nét về cuộc sống của người dân miền Tây sông nước, với mái nhà đơn sơ, trang phục sờn cũ, nước da ngăm đen, mái đầu xơ xác vì mưa nắng dãi dầu.
Về diễn xuất, Việt Hương là điểm sáng duy nhất của bộ phim. Thoát khỏi hình ảnh một diễn viên hài kịch, nữ nghệ sĩ thành công hóa thân thành người đàn bà lam lũ, từng chịu đựng, chứng kiến đủ nỗi đau của những lần sinh ly tử biệt.
Đôi khi, ánh mắt đau đáu khi nhìn vào khoảng không lúc tìm con, hay vẻ hoang mang, tuyệt vọng đến điên cuồng của bà Lệ khiến khán giả vừa xót thương, vừa không khỏi rùng mình khiếp sợ.
Cùng với đó, phần hiệu ứng âm thanh được điều chỉnh khá tốt, tạo nên nhịp điệu rùng rợn xuyên suốt tác phẩm, những cú jump-scare (kết hợp hình ảnh thay đổi đột ngột với âm thanh rùng rợn, giật gân) khiến khán giả thót tim.
Nhưng tất cả chỉ có vậy.
Càng về sau, “Ma da” càng lộ rõ phần nội dung đơn giản, hời hợt, đặt biệt đuối ở 1/3 cuối phim. Việc lạm dụng quá nhiều cú jump-scare dễ đoán khiến khán giả nhàm chán, không còn gây sợ hãi như trước.
Phim chỉ bao gồm một số ít nhân vật. Tuy nhiên, ngoài Việt Hương, các nhân vật khác xuất hiện khá mờ nhạt, không có nhiều đất diễn và không gây ấn tượng mạnh. Đặc biệt, Cẩm Ly và Thành Lộc – vốn được quảng bá rộng rãi trước khi phim lên sóng – chỉ xuất hiện trong số ít khung hình, chưa thể bộc lộ khả năng diễn xuất.
Dù kịch bản mỏng, phim vẫn còn nhiều hạt sạn, lỗ hổng trong tình tiết. Phần hiệu ứng, kỹ xảo điện ảnh trong một số phân cảnh chưa tốt khiến khán giả không thể thỏa mãn.
Đặc biệt ở đoạn kết, cách đối đầu với Ma da quá đơn giản, dễ đoán. Tác phẩm gần như không tạo được cao trào.
Cú “twist” cuối (bước ngoặt, bẻ lái câu chuyện) gây hụt hẫng, làm phim mất tính nhân văn. Dẫu biết đây có thể là ý đồ của đạo diễn để tác phẩm qua vòng kiểm duyệt, khán giả vẫn phải lắc đầu ngán ngẩm vì cái kết làm mất hết tính ám ảnh, khiến toàn bộ câu chuyện… như một trò đùa.