Lý Hải dựng cảnh chợ Tây Bắc trong Lật mặt 4, làng Chăm ở miền Tây trong Lật mặt 5, làng chiếu Đồng Tháp trong Lật mặt 6, lễ hội Nghinh Ông trong Lật mặt 7.
“Có một Lý Hải yêu văn hóa Việt như sinh mệnh” là lời nhắn nhủ của nhà sản xuất chuỗi Lật mặt thông qua những chi tiết văn hóa, đời sống Việt được thể hiện trong các phần phim.
Nhà sản xuất Minh Hà khẳng định tôn vinh văn hóa Việt là sứ mệnh mà ê kíp Lật mặt luôn theo đuổi qua mỗi bộ phim.
Chợ vùng cao trong Lật mặt 4
Là phim kinh dị nhưng Lật mặt 4: Nhà có khách vẫn được Lý Hải đưa vào “đại cảnh” phiên chợ vùng cao Tây Bắc sầm uất và đầy màu sắc.
Để tổ chức được một phiên chợ lớn như vậy, ê kíp đã đi tìm địa điểm quay từ Tây Nguyên đến Lâm Đồng. Tổ thiết kế phải xây dựng và bài trí một phiên chợ y như thật với đầy đủ các món hàng hóa đặc sản và các loài vật đặc trưng vùng cao.
Ngoài ra, rất đông bà con dân tộc miền núi đã được tuyển làm diễn viên quần chúng tham gia phiên chợ.
Lễ hội làng Chăm, chợ nổi miền Tây trong Lật mặt 5
Ở Lật mặt 5: 48h, Lý Hải khai thác hình ảnh miền Tây sông nước khi nhân vật chính cùng gia đình chạy trốn đến đây, được bạn bè cưu mang.
Lý Hải đã chọn bối cảnh tại một ngôi làng người Chăm ở Châu Đốc, An Giang. Ê kíp phải gia cố, sửa chữa nhiều thứ để phục dựng, tái cơ cấu địa điểm cho bắt mắt, cuốn hút và kiên cố hơn.
Lý Hải từng chia sẻ vì là người con miền Tây, lớn lên cùng chợ nổi, xe lôi, vỏ lãi… nên khi về miền Tây làm phim, anh đã đưa vào phim các hình ảnh quen thuộc với tuổi thơ.
Đặc biệt, với đại cảnh lễ hội làng Chăm, Lý Hải mời khoảng 1.000 diễn viên quần chúng tham gia, huy động người dân từ nhiều địa phương lân cận như Long Xuyên, Cần Thơ… đến vùng làng quê hẻo lánh quay phim.
Phân cảnh mất một tháng để chuẩn bị và hoàn thành nhưng lên phim chỉ dài chưa đến một phút.
Lý Hải dựng làng chiếu trong Lật mặt 6
Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh vẫn quay ở miền Tây. Đạo diễn Lý Hải chọn làng chiếu Định Yên ở Đồng Tháp làm bối cảnh chính.
Lý Hải xót xa khi thấy làng nghề này đang dần mai một, không còn đông khách và có nhiều nhân công như trước. Anh đầu tư tiền tỉ để phục dựng một công xưởng lớn, tái tạo môi trường làm việc cho bà con cũng như phục vụ cho phim.
Lý Hải còn mua hàng nghìn chiếc chiếu để phục vụ cho bối cảnh.
Anh chia sẻ: “Trên dưới 100.000 đồng một chiếc chiếu mà mình để đầy kho, nguyên cả một con đường làng thì bao nhiêu tiền cho đủ?
Lúc đó mình rất là sợ nhưng sau khi chứng kiến quá trình một chiếc chiếu được dệt, tôi thấy giá đó cực kỳ rẻ so với công sức người lao động bỏ ra”.
Sau khi quay phim, Lý Hải để lại xưởng chiếu cho người nào cần phát triển công ăn việc làm tại đây, đồng thời mời 2.000 bà con tại Định Yên đến xem một buổi chiếu phim Lật mặt 6 như lời cảm ơn đến bà con.
Lễ hội Nghinh Ông trong Lật mặt 7
Ở Lật mặt 7: Một điều ước, câu chuyện bà Hai đến thăm vợ chồng con trai Tư Hậu ở Ninh Thuận khiến nhiều khán giả cảm động.
Lý Hải chọn tái hiện lễ hội Nghinh Ông nhộn nhịp, mang đậm không khí miền biển, cụ thể là lễ hội Lăng Thần Nam Hải. Anh nghiên cứu tỉ mỉ để làm chính xác, chỉn chu từng chi tiết.
Ê kíp đã huy động rất đông người dân sống tại vùng cảng cá Mỹ Tân đến dự sự kiện vào buổi tối. May mắn là nhiều người nhiệt tình hòa mình vào không khí lễ hội.
Điều khó khăn nhất ở cảnh phim này chính là ở màn diễn hát. Lý Hải thuê hẳn một đội hát bội từ Quy Nhơn bay hơn 300km vào chỉ để đóng phân đoạn dài chưa đến 5 phút.