Cánh Diều Vàng 2024 chứng kiến sự tranh tài của hơn 160 tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Điều đáng tiếc là “Lật mặt 7” không tham gia tranh cử khiến hai đạo diễn nghìn tỷ lỡ hẹn trong cuộc đấu lần này.
Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2024 tổ chức tại Nhà hát Đó, Nha Trang. Ngoài sứ mệnh thúc đẩy phát triển du lịch thông qua điện ảnh, kết nối văn hóa, sự kiện được được nâng tầm thành Festival du lịch – điện ảnh tầm quốc gia.
Năm nay, có đến hơn 160 tác phẩm điện ảnh, truyền hình và công trình nghiên cứu lý luận, phê bình tham gia tranh giải.
Vắng Lý Hải, Trấn Thành sẽ thắng lớn?
Ở địa hạt điện ảnh, Mai của đạo diễn Trấn Thành xuất hiện trong danh sách đề cử và tranh giải vào phút chót. Với thành tích phim Việt doanh thu cao nhất mọi thời (hơn 520 tỷ đồng), đây là ứng cử viên nặng ký cho nhiều hạng mục quan trọng như đạo diễn, diễn viên, quay phim…
Điều bất ngờ là Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải vắng mặt tại Cánh Diều Vàng 2024. Bộ phim điện ảnh gặt hái được nhiều thành công về doanh thu trong năm.
Cùng với Mai, Lật mặt 7 giúp phòng vé Việt nửa đầu năm 2024 khởi sắc. Vì vậy, cuộc đua tại Cánh Diều Vàng 2024 kém hấp dẫn hơn khi Lý Hải bỏ lỡ cuộc đấu với Trấn Thành.
Trong khi đó, Đào, phở và Piano do đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện không kém cạnh và là ứng cử viên sáng giá ở nhiều hạng mục. Tác phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nước lấy chủ đề thời chiến lúc trình chiếu tạo làn sóng, kéo chân nhiều thế hệ khán giả ra rạp.
Tuy có nhiều tranh cãi liên quan chuyện lỗ lãi khi ra rạp, lễ trao giải Cánh Diều Vàng vẫn ghi nhận diễn xuất của Thái Hòa trong bộ phim Cái giá của hạnh phúc. Sau cú đúp bất ngờ tại Cánh Diều Vàng 2023, khán giả thắc mắc liệu “vua phòng vé” có tiếp tục được vinh danh với vai diễn người đàn ông ngoại tình, tâm lý phức tạp của Thái Hòa trong phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm
Cánh Diều Vàng 2024 cũng ngày càng trẻ hóa khi có sự góp mặt của nhiều tác phẩm chiếu rạp mang đậm tính thương mại, màu sắc giới trẻ như Móng vuốt (đạo diễn Lê Thanh Sơn), Fanti (đạo diễn Andy Nguyễn), Quỷ cẩu (đạo diễn Lưu Thành Luân), Gặp lại chị bầu (đạo diễn Nhất Trung), Mùa hè đẹp nhất (đạo diễn Vũ Khắc Tuận)…
Ngoài những bộ phim thương mại được đông đảo khán giả biết đến, Cánh Diều Vàng 2024 tôn vinh nhiều tác phẩm tôn vinh lòng yêu nước, cái đẹp của quê hương và dân tộc.
Lần đầu, câu chuyện trinh thám, phá án về đường dây buôn bán ma túy trái phép qua đường biên giới biển được kể lại qua phim truyện nhựa Sao xanh nơi biển sóng. Tác phẩm của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hứa hẹn mang đến màu sắc mới cho dòng phim về bộ đội biên phòng.
Hai tác phẩm Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn NSƯT Nguyễn Đức Việt) và Vầng trăng thơ ấu (đạo diễn: Hồ Ngọc Xum) mang giá trị tôn vinh các nhân vật quan trọng trong lịch sử. Đây là hai tác phẩm truyền tải bản sắc và tinh thần của người Việt tại mùa giải năm nay.
Bên cạnh đó, sự mới lạ về thể loại và nội dung trong hai tác phẩm mới gồm Cu li không bao giờ khóc (đạo diễn: Phạm Ngọc Lân, từng thắng giải phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin) và Bà già đi bụi (đạo diễn Trần Chí Thành, dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) cũng được giới thiệu tranh giải tại nhiều hạng mục.
18 phim truyền hình cạnh tranh
Trong khi đó, ở địa hạt màn ảnh nhỏ, cuộc đua tranh giải Cánh Diều Vàng gay cấn hơn với 18 tác phẩm nổi bật.
Hai bộ phim Cuộc chiến không giới tuyến (đạo diễn: Mai Hồng Phong – Triệu Hoài Nam) và Đội điều tra số 7 mùa 1 (đạo diễn NSƯT Nguyễn Danh Dũng) đại diện cho dòng phim hình sự – điều tra chưa bao giờ cũ trên truyền hình.
Giờ vàng sóng truyền hình quốc gia cũng đưa đến Cánh Diều Vàng nhiều tựa phim liên tục gây bão rating như Làng trong phố (đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền), Lỡ hẹn với ngày mai (đạo diễn Trần Hoài Sơn), Gặp em ngày nắng (đạo diễn: Nguyễn Đức Hiếu), Gia đình mình vui bất thình lình (đạo diễn: Nguyễn Đức Hiếu, Lê Đỗ Ngọc Linh), Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn: NSƯT Nguyễn Danh Dũng), Biệt duợc đen (đạo diễn Phạm Gia Phương, Trần Trọng Khôi), Không ngại cưới chỉ cần một lý do (đạo diễn: Bùi Quốc Việt), Trạm cứu hộ trái tim (đạo diễn: NSƯT Vũ Trường Khoa), Người một nhà (đạo diễn: Trịnh Lê Phong) và Chúng ta của 8 năm sau (đạo diễn: Bùi Tiến Huy).
Dù số lượng ít hơn, phim truyền hình miền Nam có ba đại diện không ngừng leo top thịnh hành trên YouTube tham gia tranh giải, gồm Miền quên lãng (đạo diễn Nguyễn Hồng Chi), Nữ luật sư (đạo diễn NSND Trọng Trinh) và Tình yêu đến cùng gió biển (đạo diễn Giang Thanh).
Năm nay, ban tổ chức Cánh Diều Vàng còn cập nhật, đưa vào danh sách đề cử những tác phẩm có chất lượng ổn, cách làm mới và được giới trẻ yêu thích như Đi về phía lửa (đạo diễn Trần Thanh Huy), Nhà mình lạ lắm! (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ) và Tết ở làng địa ngục (đạo diễn: Trần Hữu Tấn).
Điểm nhấn mới đáng chú ý tại Cánh Diều Vàng 2024 là lễ trao giải có thêm hạng mục Nam – Nữ diễn viên phim Điện ảnh được yêu thích nhất và Nam – Nữ diễn viên phim Truyền hình được yêu thích nhất do khán giả bình chọn.
Theo đánh giá sơ bộ của ban tổ chức, đây là lần đầu Cánh Diều Vàng ghi nhận số lượng tác phẩm gửi đến tranh giải cao kỷ lục. Hiện, lễ trao giải quy tụ 17 phim truyện điện ảnh, 18 phim truyện truyền hình, 41 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 50 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình.
Chương trình hoạt động của Cánh Diều Vàng năm nay gồm chuỗi sự kiện trước và trong tuần lễ tổ chức giải thưởng, bao gồm thẩm định, đánh giá các tác phẩm dự thi, tổ chức chuỗi talk show về các tác phẩm dự Cánh diều Vàng 2024 trên fanpage của Trung tâm phát triển điện ảnh – Hội Điện ảnh Việt Nam…
Ngoài ra, sự kiện còn tổ chức chương trình phim điện ảnh giới thiệu các tác phẩm dự Cánh Diều Vàng 2024 để phục vụ khán giả, sự kiện Bức tường danh vọng vinh danh những tác phẩm, cá nhân giành giải thưởng Cánh Diều Vàng trước khi bước vào sự kiện chính là đêm trao giải Cánh Diều Vàng diễn ra ngày 10/9.