Ngay trong tuần đầu ra mắt, “Làng trong phố” đã vượt qua “Gia đình mình vui bất thình lình” dẫn đầu rating cả nước trong bảng xếp hạng 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất.
Theo số liệu thống kê từ Kantar Media về 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất cả nước (từ 31/7 đến 6/8), bộ phim Làng trong phố dẫn đầu với rating 4.6. Như vậy, chỉ sau một tuần ra mắt, Làng trong phố đã vượt hai bộ phim đang phát sóng giờ vàng VTV là Gia đình mình vui bất thình lình và Món quà của cha, vươn lên vị trí số 1 về lượt xem.
Kết quả thống kê ít nhiều gây bất ngờ nhưng phản ánh thực tế về việc không ít khán giả quay lưng với bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình. Ngược lại, với tình tiết nhẹ nhàng, hài hước, không có quá nhiều drama, bi kịch, Làng trong phố được yêu thích.
Bối cảnh gần gũi, nội dung nhẹ nhàng, ít bi kịch
Làng trong phố lên sóng từ 31/7. Phim được xem là phần 2 của Phố trong làng với nội dung xoay quanh số phận, cuộc sống của 2 nhân vật Mến (Doãn Quốc Đam) và Hiếu (Duy Hưng) ở giai đoạn quê hương thay đổi.
Ở phần 2, Mến và Hiếu rơi vào tình cảnh thất nghiệp khi hồ cá bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng. Mến được một người họ hàng rủ làm nghề cho vay nặng lãi. Hiếu lên thành phố để thử vận may.
Hiện bộ phim đã phát sóng đến tập 18 với các tình tiết thú vị khi Mến lên thành phố thăm Hiếu và những câu chuyện thường ngày ở xóm trọ với nhiều thân phận, con người khác nhau.
Có thể thấy, đúng như tên gọi, phim lấy bối cảnh là một xóm trọ của người lao động xa quê. Những con người từ làng ra phố, họ kiếm sống bằng nhiều nghề như công nhân, shipper, bảo vệ… Mỗi người có cuộc đời và nỗi niềm riêng. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ đối mặt với những rắc rối không tên khác.
Bộ phim có nhiều tình huống kịch tính như Hiếu hiểu lầm vợ có quan hệ ngoài luồng với quản đốc phân xưởng may hay việc Nhung (Đào Phương Anh) bất chấp làm người thứ 3 với hy vọng đổi đời… Tuy nhiên, các nút thắt cao trào nhanh chóng được mở, các nhân vật xử lý tình huống nhanh gọn, nhân văn mang tới màu sắc tươi mới, lạc quan cho bức tranh toàn cảnh của phim.
Điều đó hoàn toàn trái ngược với diễn biến tâm lý của bộ phim đang phát sóng cùng thời điểm – Gia đình mình vui bất thình lình. Từng làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng và nhận nhiều phản hồi tích cực, Gia đình mình vui bất thình lình bị khán giả quay lưng vì sa đà vào chuỗi bi kịch kéo dài, bế tắc.
Các nhân vật chìm ngập trong ám ảnh tâm lý và tổn thương. Đặc biệt từ sau tình huống Phương (Kiều Anh) sảy thai lần thứ 3, gia đình ly tán và Công (Quang Sự) bị ung thư.
Đến lúc này, ngay cả fan ruột của bộ phim cũng than trời và tuyên bố không thể kiên nhẫn thêm được nữa. Thậm chí, nhiều người đề xuất nên đổi tên phim thành “Gia đình bi đát” hay “Gia đình mình đau bất thình lình”.
“Xem phim để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. Một bộ phim mang đến cảm xúc tiêu cực tức là nó đã thất bại”, “Cuộc sống quá thừa những hoàn cảnh bi đát, thương tâm, không cần xoáy sâu hơn ở trên phim ảnh”, “Chúng ta cần nhiều hơn nữa những bộ phim có nội dung chữa lành chứ không chỉ dừng lại ở tên phim như hiện nay”, “Dùng bi kịch để lấy nước mắt khán giả là cách làm phim cũ kỹ, không còn hợp thời nữa. Đó là lý do vì sao Làng trong phố được yêu thích trong khi Gia đình mình vui bất thình lình bị ghẻ lạnh”… là một số bình luận của khán giả.
Dàn diễn viên trẻ, thực lực
Bên cạnh yếu tố kịch bản, Làng trong phố được đánh giá cao nhờ khả năng vào vai tốt của các diễn viên trẻ như Duy Hưng (Hiếu), Doãn Quốc Đam (Mến), Trần Vân (Hoài), Tiến Lộc (Hùng), Phương Anh (Nhung)…
Theo chia sẻ của đạo diễn Mai Hiền, các diễn viên trong phim vừa phải có ngoại hình tốt vừa phải nói tốt. “Hiện nay, chúng tôi buộc phải làm phim ‘cuốn chiếu’ với tốc độ cực nhanh, cực kỳ gấp gáp nên vất vả, từ cách thức tiếp cận đến quy trình làm phim. Chúng tôi buộc phải quay phim và thu thanh đồng bộ để tiết kiệm thời gian, điều đó dẫn tới tính đào thải rất cao, khi diễn viên vừa phải có ngoại hình tốt, vừa phải nói tốt. Rất ít các diễn viên phù hợp với 2 yếu tố này”, đạo diễn Mai Hiền nói.
Nam đạo diễn cũng đánh giá cao sự dấn thân, tìm tòi của Doãn Quốc Đam. Theo đạo diễn Mai Hiền, Doãn Quốc Đam luôn làm tốt hơn yêu cầu. “Cậu ấy có sự trăn trở, tìm tòi về nhân vật – điều các diễn viên trẻ rất nên học tập. Có cảnh quay xong theo tôi đã thấy rất ổn, nhưng Doãn Quốc Đam cứ nài nỉ tôi xin được đóng thêm, điều đó khiến tôi rất quý mến cậu ấy”, đạo diễn Mai Hiền cho biết.
Với Doãn Quốc Đam, anh tạo sự khác biệt cho Mến bằng cách ép dây thanh quản để nhân vật có giọng nói khàn đặc xuyên suốt bộ phim. Dù lo sợ bị khán giả “ném đá” vì không nghe rõ lời thoại của Mến, Doãn Quốc Đam vẫn chấp nhận và cố gắng hoàn thành vai diễn.
“Cũng giống tật nháy mắt của nhân vật Tuấn trong phim Đấu trí thôi, tôi tiếp tục thử. Mình cứ thử, sai cũng được, để mình biết cái sai và sau này sửa nó”, Doãn Quốc Đam nhấn mạnh.
Ngoài ra, Làng trong phố cũng là minh chứng cho sự trưởng thành về diễn xuất của diễn viên Duy Hưng và Trần Vân.
Sau nhiều vai diễn gai góc, có màu sắc, Duy Hưng được nhận xét đang ở độ chín của sự nghiệp. Bất cứ bộ phim nào được góp mặt, Duy Hưng đều vào vai một cách tài tình, duyên dáng. Anh thuộc số ít diễn viên luôn nhận phản hồi tích cực từ khán giả.
Về phía Trần Vân, cô thừa nhận vai Hoài là thử thách. Trong phim, nhân vật Hoài đã có gia đình, phải gánh vác việc nhà, chăm con. Trần Vân cho biết cô phải quan sát cách những phụ nữ chăm sóc con ở ngoài đời để lấy chất liệu cho vai diễn của mình.
Với những nỗ lực của bản thân, Trần Vân được đạo diễn Mai Hiền nhận xét trưởng thành hơn các vai diễn trước.
Bên cạnh đó, vai diễn đầu tay của Đào Phương Anh được cho vừa vặn. Không quá nổi bật hay xuất sắc, Phương Anh nhập vai vừa đủ để khiến khán giả ghét nhân vật Nhung tiểu tam.
“Là diễn viên mới, tôi không khỏi lo lắng khi nhận vai gây tranh cãi như Nhung. Nhưng đạo diễn và các đồng nghiệp cũng đã khuyên rằng nếu vai diễn này mình làm tốt thì phản ứng gay gắt của khán giả chỉ dành cho nhân vật mà thôi và ít nhiều tôi cũng được khán giả nhớ tới”, Đào Phương Anh chia sẻ.