Những năm qua, kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất được duy trì ở mức cao, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch nhanh theo hướng du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Những kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đã khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Đóng góp tích cực cho xã hội
Là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ nâng hạ và logistics tại Quảng Ninh, với hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên cung cấp các dịch vụ mua bán và cho thuê xe nâng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đức Trung đã và đang có mặt hoạt động tại nhiều KCN lớn trên địa bàn toàn tỉnh, như: Texhong Hải Hà, Thành Công, Đông Mai, Amata, Bắc Tiền Phong… và tại Cảng Cái Lân.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đức Trung, cho biết: Với gần 200 thiết bị nâng hạ hiện đại, trung bình mỗi ngày chúng tôi bốc dỡ khoảng 40-50 container hàng hóa, phục vụ đối tác trong các KCN. Công ty cũng đang tạo việc làm cho 50 nhân công lao động với mức lương 15-18 triệu đồng/tháng và đóng góp vào NSNN hàng tỷ đồng.
Sự đóng góp của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Đức Trung cũng góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ trong KCN, CCN theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp tại đây.
Bằng bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Quảng Ninh đã nỗ lực vượt qua mọi thách thức để ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho NSNN. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của bão số 3, nhiều doanh nghiệp đã có sự phục hồi nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Là một trong nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 với tổng thiệt hại lên đến 150 tỷ đồng, nhưng ngay sau bão, Công ty TNHH Điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai) đã nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, củng cố mọi hoạt động sản xuất ổn định, đảm bảo tiến độ các đơn hàng. Với năng lực sản xuất trung bình khoảng 100.000 sản phẩm/tháng, bao gồm loa và tai nghe xuất khẩu đi thị trường các nước trên thế giới, như Mỹ, châu Âu… doanh nghiệp đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn công nhân lao động.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, chung tay vì cộng đồng. Qua đó, từng bước kiến tạo Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt.
Đứng chân trên địa bàn huyện Hải Hà, suốt 10 năm qua Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật Ngân Hà (KCN Cảng biển Hải Hà) đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Hiện doanh nghiệp đang có hơn 3.400 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng luôn đồng hành với tỉnh trong thực hiện các nghĩa vụ an sinh thông qua nhiều hoạt động như: Đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, khắc phục thiên tai, khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn…
Để doanh nghiệp vững tin tiến bước
9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 8,02%, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so cùng kỳ năm 2023, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%. Tổng thu NSNN đạt 40.479 tỷ đồng, bằng 73% dự toán. Dù chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nhưng tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn giữ được tốc độ phát triển ổn định theo kế hoạch. Kết quả đó có sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh và sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh.
Với quan điểm, doanh nghiệp có phát triển thì tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo… Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành cùng doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, Quảng Ninh đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu tiên, hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ, du lịch…
Đáng chú ý là sự trợ lực, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng về việc triển khai những giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Trong đó, các đơn vị tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục… Tỉnh cũng cam kết hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế. Từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trung bình thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp/năm; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP toàn tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh xác định việc đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và mở rộng thị trường, Quảng Ninh luôn được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đánh giá cao và vững tin đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.