Đóng góp thành tựu lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam phải kể đến những thành công trong nghiên cứu giống.
Các giống lúa Việt Nam chọn tạo được chuyển giao và ứng dụng đạt 85%, gạo đạt 89% chất lượng cao. Để lúa gạo tiếp tục phát huy lợi thế cần có những định hướng mới trong nghiên cứu chọn tạo giống trong bối cảnh mới. Nhưng để các giống mới có cơ hội ra thị trường sớm cũng cần tháo gỡ nhiều nút thắt.
Nói về thành công của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) đánh giá, đó là sự nỗ lực của cả một chuỗi từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại, đưa những hạt giống tốt đến tay người nông dân.
Từ nhu cầu thực tiễn, ông Cao Đức Phát cho rằng, nghiên cứu giống lúa phải đi theo hướng để người nông dân trồng bán được giá cao hơn. Đó là nghiên cứu giống cho chất lượng gạo cao hơn và thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, có những giống lúa đứng vững trên đồng ruộng trong mọi tình huống, có năng suất, chất lượng và giảm phát thải cũng như thời gian sinh trưởng của cây lúa.
Tại IRRI, về dinh dưỡng của lúa gạo, đơn vị này đang nghiên cứu các giống lúa với hàm lượng đường huyết GI thấp, phù hợp cho người mắc hoặc có nguy cơ mắc tiểu đường. Hiện nay giá bán gạo chống tiểu đường là 1.800 USD/tấn, trong khi giá gạo thường xuất khẩu khoảng 500 – 600 USD/tấn. Bên cạnh đó, IRRI cũng nghiên cứu để tạo ra các giống lúa có hàm lượng protein cao hơn. Cùng đó là khả năng chịu hạn, chịu mặn, chịu úng và nhiều đặc tính nữa có thể khai thác.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam đã phát triển vượt bậc nhờ ba thành tựu lớn. Đó là sự đa dạng hóa về các bộ môn trong lĩnh vực di truyền thực vật; nguồn lực cán bộ nghiên cứu hiện không thua kém gì các nước trong khu vực và ngành công nghiệp hạt giống trong nước đang phát triển mạnh mẽ.
“Doanh nghiệp nên đặt hàng nghiên cứu cho các viện vì mỗi doanh nghiệp có nền tảng giống, năng lực và mục tiêu đầu tư khác nhau. Khi doanh nghiệp đầu tư từ giai đoạn nghiên cứu, sản phẩm mới có thể đáp ứng tốt nhất mục tiêu kinh doanh”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cũng khẳng định: Doanh nghiệp chính là “cánh tay nối dài” của các cơ sở nghiên cứu. Doanh nghiệp sẽ đưa các giống lúa tốt vào thực tiễn nhanh hơn và lan tỏa hơn.
Tuy nhiên, hiện nay các hình thức hợp tác công – tư (PPP) giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu đang gặp khó bởi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp không có quyền sở hữu các giống lúa dù có đóng góp vào quá trình nghiên cứu.
Theo bà Trần Kim Liên, quy định là không được chuyển giao giống độc quyền sẽ rất khó để phát triển hợp tác công – tư. Bởi, khi giống được công nhận và tất cả doanh nghiệp đều chờ chuyển giao thì sẽ gây ra sự chậm trễ khi đưa giống mới vào thực tiễn và việc huy động nguồn lực sẽ rất khó.
“Ngoài ra, tất cả các hợp đồng “mua đứt bán đoạn” giống cây trồng trước năm 2018 cũng đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hưu hành, có thể dẫn đến nguy cơ mất giống”, bà Liên cho hay.
Bà Trần Kim Liên đề nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành danh mục về giao quyền giống cho doanh nghiệp. Đồng thời, công khai việc chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp có điều kiện, nhu cầu sẽ tham gia. Như vậy, doanh nghiệp sẽ là “cánh tay nối dài” của các viện nghiên cứu. Bộ cũng cần sớm có hướng dẫn về hợp tác công – tư để huy động nguồn lực xã hội vào nghiên cứu giống lúa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận: Nghị định 70/2018/NĐ-CP ra đời đúng là rất khó để các viện nghiên cứu chuyển giao giống cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ đã tháo gỡ được những nút thắt đó. Khi đăng ký bảo hộ giống thì chủ sở hữu được quyền sở hữu giống đó.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành; Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành, Bộ sẽ ưu tiên cao nhất cho sản xuất giống chất lượng cao; sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lương cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.