Những buổi diễn của ca sĩ Taylor Swift giúp cô trở thành tỉ phú. Những nơi cô đi qua, nền kinh tế cũng tăng trưởng vượt trội.
Tiềm năng kinh tế từ các sự kiện văn hóa đã được chứng minh bằng những con số không tưởng. Các sự kiện văn hóa lớn – đặc biệt là những buổi biểu diễn của những ngôi sao quốc tế – đã trở thành cơ hội kinh tế rất lớn.
Văn hóa thúc đẩy kinh tế
Khái niệm “Swiftonomics” (kết hợp giữa Economic và họ của Taylor Swift) ra đời từ lợi ích kinh tế “kếch xù” do ca sĩ Taylor Swift tạo ra thông qua các buổi diễn của cô ở Úc (7 đêm diễn) và Singapore (6 đêm diễn). Thông tin cho biết đơn vị tổ chức phải trả khoản hỗ trợ từ 2-3 triệu USD cho một đêm diễn, để Taylor Swift trình diễn độc quyền tại Singapore. Mặc dù chi phí tổ chức rất lớn, song những nơi cô đi qua, kinh tế cũng tăng trưởng vượt trội. Hai bang Victoria và New South Wales của Úc kiếm được số tiền khổng lồ chỉ sau vài ngày ngắn ngủi.
Thái Lan cũng phải chi gần 500 triệu baht (khoảng 340 tỉ VNĐ) cho một đêm diễn để có thể có được cái gật đầu của nữ ca sĩ. Tuy nhiên, đó là khoản chi hợp lý so với hiệu quả kinh tế mà Thái Lan sẽ thu được.
Chia sẻ trên The Daily Telegraph, Giám đốc điều hành Cơ quan Lưu trú Úc, Michael Johnson, nói “Hiệu ứng Swift là không thể phủ nhận, các buổi biểu diễn của cô ấy có thể mang về từ 150 đến 200 triệu USD cho nền kinh tế của một bang”. Luật sư thuế Harry Dell tiết lộ Swift sẽ phải trả 30% thuế cho Cơ quan Thuế Úc đối với thu nhập từ các buổi hòa nhạc. Điều đó có nghĩa, chính phủ Úc thu được khoảng 10 triệu USD tiền thuế từ giọng ca Anti-Hero qua các buổi biểu diễn.
Nền kinh tế của cả Úc và Singapore phát triển trên nhiều phương diện: phòng khách sạn kín chỗ, nhà hàng và quán bar chật cứng và số lượng lớn người hâm mộ vung tiền mua hàng hóa. Tại thời điểm ca sĩ Taylor Swift biểu diễn, một chiếc lều ở Singapore được cho thuê với giá 4,5 triệu đồng/đêm; phòng lưu trú thì cháy phòng.
Thương vụ tại Việt Nam
Chưa đạt những thành tựu nổi trội nhưng nền kinh tế Việt Nam ít nhiều được thúc đẩy từ các thương vụ văn hóa. Trong năm 2023, nhiều sự kiện đã tổ chức thành công: show diễn của Charlie Puth, Maroon 5 – trong lễ hội âm nhạc thường niên; 8Wonder, Blackpink – với 2 đêm diễn tại Hà Nội. Số liệu cho thấy nhóm nhạc Hàn Quốc đã giúp Hà Nội đạt khoảng 630 tỉ đồng doanh thu từ du khách.
Thực tế, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược đầu tư bài bản cho các thương vụ văn hóa. Việc tạo niềm tin cho các ngôi sao quốc tế đến Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Trong đó, khó nhất vẫn là khả năng của đơn vị tổ chức từ tài chính cho đến kỹ năng tổ chức. Hầu hết, các ngôi sao quốc tế khi đến Việt Nam đều đưa ra một loạt điều khoản buộc đơn vị tổ chức phải bảo đảm.
Quan trọng nhất là phải chứng tỏ được khả năng của đơn vị tổ chức. Ronan Keating từng đưa ra yêu cầu dài đến cả 50 trang và cực kỳ chi tiết. Đơn vị tổ chức phải chứng minh năng lực thực hiện của mình, phải cam kết đáp ứng đủ mọi yêu cầu từ các sao quốc tế. Chẳng hạn ngôi sao Bi/Rain còn yêu cầu đến cả việc phải có toilet riêng tại điểm diễn để không bị làm phiền.
Những người trong cuộc cho rằng để có thể trở thành một điểm đến thường xuyên, đáp ứng được yêu cầu của những ngôi sao quốc tế với các đêm diễn lên đến hàng chục ngàn người, cần phải có sự đồng bộ từ con người cho đến sân bãi, kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, bảo đảm an toàn… chuyên sâu cho lĩnh vực công nghiệp giải trí.
Ngôi sao Ariana Grande từng khiến người hâm mộ Việt Nam “nổi đóa” vì hủy show khi chỉ còn vài giờ nữa diễn ra chương trình. Tour lưu diễn vòng quanh thế giới của Arian Grande vẫn diễn ra như lịch trình, trừ Việt Nam. Mãi sau này, người hâm mộ mới biết Ariana Grande hủy show tại Việt Nam là do sân khấu và khâu an ninh không bảo đảm chất lượng như yêu cầu.
Theo các nhà chuyên môn, đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan sớm có những phương án khả thi để có thể trải thảm đón siêu sao, qua đó giúp phát triển kinh tế cho đất nước.