Nhiều người loay hoay, toát mồ hôi khi xác thực sinh trắc học trên app (ứng dụng) của ngân hàng mà không thực hiện được do không rành công nghệ hoặc điện thoại không tương thích, thậm chí do ảnh thật không giống với ảnh trên căn cước.
Loay hoay mãi không xong
Từ ngày 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Theo đó, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày bắt buộc phải xác thực khuôn mặt.
Sau khi các ngân hàng đồng loạt yêu cầu khách hàng đăng ký sinh trắc học, nhiều người phản ánh việc tự cập nhật dữ liệu trên các ứng dụng ngân hàng thường xuyên bị lỗi, nhất là với nhóm khách lớn tuổi, không rành công nghệ hoặc điện thoại có vấn đề.
Chị Hoàng Quyên (34 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) kể rằng, thực hiện các bước theo hướng dẫn của ngân hàng, chị chụp hai mặt của căn cước công dân (CCCD) gắn chip rồi cập nhật lên. Tuy nhiên, đến bước đưa CCCD ra sau điện thoại để quét thông tin, chị loay hoay làm đi làm lại vẫn chưa thực hiện được. Chị Quyên phải nhờ chồng hỗ trợ, sau nhiều lần mới thực hiện quét thông tin thành công.
Chưa kể, với hầu hết người có tuổi, không thạo công nghệ thì thường phải chật vật mới thực hiện xong các bước đăng ký xác thực sinh trắc học.
Nhiều người cho hay không thể quét được khuôn mặt theo yêu cầu của app ngân hàng để trùng với dữ liệu trong CCCD.
Phản ánh đến Báo VietNamNet, độc giả Le An cho hay: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nhận dạng khuôn mặt phải trùng khớp với CCCD. Mà khuôn mặt lưu trong CCCD chưa chắc đã khớp với khuôn mặt bây giờ nên điện thoại không quét được. Chưa kể, thực hiện đăng ký sinh trắc học, khá nhiều người phải đổi điện thoại vì không có chức năng đọc chip NFC.
Độc giả Tinh nguyenvan phản ánh: “Không biết mọi người sao, mình thấy khó quá. Đã làm trên 10 lần nhưng không thành công. Khâu quét chip CCCD luôn không kết nối”.
Bạn đọc Cao Quốc Hóa cho biết: “Tôi đã thực hiện trắc sinh học khuôn mặt nhưng rất mất thời gian, có lúc mất cả 30 đến 40 phút vẫn không nhận diện được. Có thể do ảnh chụp trong CCCD quá xấu, trông không giống ngoài đời”.
Còn độc giả Thoa Nguyễn phản ánh “Điện thoại oppo Reno 3 không đăng ký sinh trắc học được vì không có chức năng đọc chip. Tôi đã đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Nhân viên của ngân hàng không thể làm được và nói tôi nên đổi hoặc mua điện thoại khác. Không còn cách nào khác sao? Tự dưng vợ chồng tôi phải mua điện thoại mới. Vì chưa có tiền, nên không biết sao đây?”.
Thu thập dữ liệu gặp khó
Các ngân hàng thừa nhận việc thu thập dữ liệu còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các khách hàng lớn tuổi, chưa quen sử dụng điện thoại thông minh hay những khách hàng chưa làm lại CCCD gắn chip hay những người phẫu thuật thẩm mỹ.
“Họ rất khó khăn trong việc thu thập vì dữ liệu cá nhân tại thời điểm đó với CCCD có thể không khớp nhau”, một đại diện Ngân hàng số VPBank, chia sẻ trên Đài PT&TH Hà Nội.
Đại diện Ngân hàng OCB cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai cho khách hàng đăng ký sinh trắc học, OCB cũng nhận thấy có khó khăn trong việc một số khách hàng sử dụng thiết bị di động không hỗ trợ NFC để đọc được chip của thẻ CCCD.
Điểm chung khiến các ngân hàng và ví điện tử lo ngại trong quá trình xác thực là ở khâu chạm CCCD vào vị trí đọc chip trên điện thoại. Hiện mỗi loại điện thoại lại có các vị trí chip khác nhau. Có nhiều dòng điện thoại thông minh cấu hình mạnh nhưng vẫn không có đầu đọc NFC.
Thêm vào đó, giao dịch viên của một số ngân hàng thừa nhận, bước dùng app quét thông tin trên chip của CCCD thường xuyên bị lỗi. Điều này khiến khách hàng không thể thực hiện các bước tiếp theo.
Chia sẻ trên VTC News, bà Nguyễn Tuyết Nhung, đại diện Công ty Kalapa – đơn vị chuyên về giải pháp sinh trắc họccho rằng, trên thực tế, khi thực hiện các bước eKYC (định danh điện tử), xác thực sinh trắc học có tình trạng người dân chưa cảm thấy hài lòng. Điển hình như việc xác thực yêu cầu người dân phải có điện thoại có khả năng đọc chip NFC được tích hợp trên CCCD và phải biết cách đặt CCCD vào điện thoại để đọc chip. Những yêu cầu này khá xa lạ với phần lớn người dùng và đòi hỏi người dùng chấp nhận tính thiết yếu của nó.
Theo bà Nhung, chính vì những thứ mới mẻ trên mà các phần mềm tích hợp dịch vụ xác thực phải có khả năng hoạt động ưu việt, tốc độ xử lý cao, các bước hướng dẫn ngắn gọn. Các phần mềm phải dễ dàng sử dụng để ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể sử dụng được.
Bà Dương Mai Anh, Giám đốc Điều hành Công ty CP Công nghệ Vidiva – sở hữu ví điện tử Ting – cho hay, người dùng thường lúng túng khi xác định vị trí chip trên CCCD và vị trí chip trên điện thoại. Trên CCCD, chip thường nằm ở vị trí dấu mộc đỏ. Còn mỗi điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại.
Khách hàng nên di chuyển CCCD lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi hai chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây – bà chia sẻ trên Báo Công Thương.
Trên thị trường hiện nay, có nhiều dòng điện thoại thông minh cấu hình mạnh nhưng vẫn không có đầu đọc NFC. Chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ khách hàng sử dụng các thiết bị này nhưng đây cũng là một trở ngại với nhóm khách của ví điện tử.
“Ngoài hình thức đăng ký trực tuyến, chủ tài khoản ngân hàng có thể cầm CCCD ra trực tiếp chi nhánh để được hỗ trợ xác thực lần đầu. Còn với các ví điện tử do mạng lưới chi nhánh, văn phòng hạn chế, đây vẫn là vướng mắc”, bà Mai Anh nói.
Đối với khách hàng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp CCCD gắn chip, khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học.