Chương trình cộng lãi suất hấp dẫn tại các ngân hàng đang gây tranh cãi khi không minh bạch niêm yết, gây lo ngại về quyền lợi khách hàng.
Nhiều ngân hàng đang “ngầm” cộng thêm lãi suất cho người gửi tiền, không minh bạch thông tin lãi suất tiết kiệm cộng thêm này.
Phóng viên Báo Lao Động đã khảo sát nhiều ngân hàng thương mại. Theo đó, lãi suất ưu đãi và các chương trình khuyến mãi đang trở thành một trong những chiêu thú hút khách hàng tại nhiều ngân hàng.
Lãi suất cao ngất ngưởng, chỉ được cộng cho khách gửi nhiều tiền
Theo khảo sát của PV Báo Lao Động, NamABank đang áp dụng mức lãi suất cố định khi khách hàng gửi online lần lượt là 5%, 5,6% và 5,9%/năm cho kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng. Tuy nhiên, tại một điểm giao dịch thuộc ngân hàng này trên đường Trung Kính, phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), mức lãi suất được nhân viên tư vấn cộng thêm 0,7%, lên đến 6,1% và 6,3%/năm tùy mức gửi.
Đáng nói, nhân viên tư vấn cho biết: “Mức lãi suất ưu đãi này không được niêm yết công khai mà chỉ thông báo trực tiếp cho khách hàng khi đủ điều kiện”.
Tại VietinBank, cũng có các mức ưu đãi với hình thức tương tự.
Nhân viên giao dịch tại quầy VietinBank (điểm giao dịch đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Lãi suất niêm yết của chúng tôi hiện ở mức khá thấp, kỳ hạn 3 tháng đang là 2,0%, 6 tháng là 3,0% còn 12 tháng đang là 4,7%. Nhưng tùy vào số tiền gửi của khách hàng mà chúng tôi sẽ có những chính sách chủ động khác nhau.
Ví dụ với số tiền gửi 1 tỉ đồng, kỳ hạn 12 tháng lãi suất vẫn là 4,7%. Chúng tôi chỉ áp dụng cộng thêm đối với khách hàng gửi số tiền từ 2 tỉ đồng trở lên, cộng thêm 0,3%, lên mức cao nhất là 5,0%”.
Đáng chú ý, ngân hàng này đang áp dụng chính sách cộng thêm cao nhất lên đến 1,0%-1,2% đối với các kỳ hạn ngắn.
“Với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, lãi suất có thể sẽ cao, ví dụ kỳ hạn 6 tháng lãi suất niêm yết đang là 3,0% thì chúng tôi có thể cộng thêm tối đa lên 4,0% đối với số tiền gửi 1 tỉ đồng” – nhân viên ngân hàng giới thiệu.
Mức ưu đãi cao nhất ngân hàng này đang áp dụng đối với khoản tiền gửi từ 1 tỉ đồng, kỳ hạn 3 tháng. Nhân viên ngân hàng cho biết, lãi suất niêm yết kỳ hạn 3 tháng đang là 2,0%, nếu gửi 300 triệu đồng sẽ được cộng thêm 1,0% lãi suất, lên mức 3,0%; nếu gửi 1 tỉ đồng trở lên sẽ được cộng thêm 1,2%, lên mức 3,2%/năm.
Khảo sát tại VIB (điểm giao dịch tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên được tư vấn rằng, khi gửi tiền từ 200 triệu đồng trở lên, mức lãi suất sẽ được cộng thêm 0,5%. Mức ưu đãi này cũng chưa được niêm yết trên website hoặc tại quầy.
Nhân viên VIB khẳng định: “Không ngân hàng nào được phép công khai lãi suất cộng thêm”.
HDBank cũng đang có chương trình cộng thêm lãi suất lên tới 1,23%/năm cho các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng.
Tuy nhiên, mức ưu đãi này không được đăng tải công khai và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các khu vực giao dịch.
Ví dụ, tại chi nhánh Đống Đa, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng sau khi cộng thêm đạt 6,1%/năm, trong khi tại chi nhánh Cầu Giấy, mức lãi suất tương tự chỉ là 5,9%/năm.
Thông tin này chỉ được nhân viên tiết lộ khi khách hàng trực tiếp hỏi tại quầy, dẫn đến sự không đồng nhất và bất tiện trong việc khách hàng so sánh và đưa ra quyết định.
Tại BaoVietBank (điểm giao dịch tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội), ngân hàng này đang niêm yết lãi suất 4,35% đối với kỳ hạn 3 tháng; 5,2% đối với kỳ hạn 6 tháng; 5,8% đối với kỳ hạn 12 tháng; 6% đối với kỳ hạn 24 tháng.
Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng này lại tư vấn, giới thiệu cho khách hàng mức lãi suất cao nhất ngân hàng đang áp dụng là 6,5% đối với kỳ hạn 18 tháng; kỳ hạn 12 tháng là 6,25 %; kỳ hạn 13 tháng là 6,3%. Áp dụng đối với số tiền gửi từ 500 đến 1 tỉ đồng.
Tương tự những ngân hàng trên, nhân viên BaoVietBank cũng giải thích rằng, mức lãi suất này cao hơn mức niêm yết chính thức vì “bên ngân hàng có chương trình cộng thêm, ưu đãi cộng thêm lãi suất cho khách hàng”.
Khuyến mãi ngầm có vi phạm pháp luật?
Theo Thông tư 48/2024/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30.9.2024, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của mình và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có).
Thông tư này cũng quy định rằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức, áp dụng cho phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mãi dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định 81/2018/NĐ-CP cũng yêu cầu các chương trình khuyến mãi phải được đăng ký hoặc thông báo với cơ quan quản lý nhà nước và công khai rõ ràng.
Các ngân hàng phải tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Dư luận cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát, thanh tra các chương trình khuyến mãi lãi suất của các tổ chức tín dụng để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.