Chuyên gia phân tích, đồng nội tệ suy yếu thời gian dài với tốc độ cao có thể gây ra lạm phát do giá hàng hóa tăng.
Hơn một tháng nay, chị Oanh, tín đồ chuyên mua mỹ phẩm, thực phẩm xách tay, khá sửng sốt khi mỗi món hàng đều phải trả giá cao hơn trước. “Chai nước hoa 100 ml trên website là 134 USD, năm ngoái phải trả hơn 3 triệu đồng, nhưng nay đơn vị xách tay đòi gần 3,5 triệu đồng để bù đắp chênh lệch giá USD”, chị kể.
Tương tự, chị Lan Anh ở quận Gò Vấp cho biết vừa tốn thêm hàng triệu đồng khi mua một chiếc điện thoại xách tay. Với món đồ điện tử, cứ 100 USD, người bán sẽ tính thêm 100.000 đồng. “Chiếc iPhone có giá 1.000 USD, tôi phải trả thêm gần 1 triệu”, chị Lan Anh nói.
Khảo sát cho thấy, giá hàng hóa xách tay nhiều món tăng thêm 20.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng để bù đắp chênh lệch giữa USD-VND. Một vài đơn vị bán lẻ hàng xách tay cho biết các đầu mối phân phối đã báo giá tăng thêm 1-3% so với đợt nhập trước đó.
Giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở TP HCM cho biết với giá USD tăng như hiện nay, mỗi đơn hàng 100.000 USD được doanh nghiệp này nhập về phải mất thêm 70-100 triệu đồng.
Chưa kể, chi phí vận chuyển đang tăng cao khiến giá hải sản nhập khẩu về Việt Nam tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nếu USD tiếp tục tăng, chúng tôi sẽ phải cân đối lại giá và cả số lượng nhập về”, vị này nói.
Cùng đó, các đại lý bán vé bay quốc tế cho biết khách hàng cũng sẽ tốn chi phí hơn khi giá USD tăng cao. Trước đây nếu 1 USD đổi được 24.000 đồng, nay USD tăng lên 24.800 đồng. Cứ 100 USD, khách mua vé phải trả thêm 80.000 đồng. Như vậy, với những chặng có giá trên 500 USD, khách hàng sẽ phải trả thêm 400.000 đồng.
“Số tiền này nhỏ với khách riêng lẻ nhưng với khách đi đoàn hoặc tour thì phải trả thêm khá lớn, đẩy giá tour tăng cao hơn nhiều trước đây”, đại lý vé máy bay ở quận Bình Thạnh cho hay.
Nhìn chung, với người tiêu dùng, USD tăng giá, nghĩa là họ phải trả nhiều hơn cho những mặt hàng nhập khẩu hay những chuyến du lịch nước ngoài. Đặc biệt, những gia đình có con du học cũng phải gánh thêm chi phí khi chênh lệch USD – VND tăng cao.
Giá cả tăng trong khi sức mua chưa thực sự cải thiện cũng khiến không ít người bán lo ngại. Bà Nguyễn Thị Trang, chủ cửa hàng mỹ phẩm, dược phẩm ở quận 2 (TP HCM), cho biết để nhập hàng từ Mỹ về Việt Nam tốn khá nhiều chi phí từ vận chuyển cho tới nhân công.
Từ tháng 4, nếu giá USD trên thị trường tiếp tục tăng, bà Trang lo việc nhập hàng sẽ chậm lại. Theo bà Trang, đầu năm sức mua rất yếu, nếu nhập hàng số lượng nhiều khi chênh lệch USD với VND lớn sẽ không có lời, thậm chí bị ngâm vốn. Trong khi đó, các sản phẩm trên đều có hạn sử dụng không quá dài.
Là người chuyên kinh doanh quần áo, giày, dép nhập khẩu từ EU, chị Hạnh ở quận 10 cảm nhận rõ người dân thắt chặt chi tiêu nên chỉ cần thấy giá tăng thêm họ sẽ ngại mua. 2 tháng đầu năm, lượng khách cửa hàng chị giảm 20% so với cùng kỳ. “Đà này còn có thể giảm thêm, khi giá hàng hóa về Việt Nam ngày càng đắt đỏ”, chị Hạnh nói.
Giới phân tích cho rằng về cơ bản, đồng nội tệ suy yếu khiến người dân nghèo hơn, vì họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa họ nhập khẩu và nhận được ít hơn cho hàng hóa họ xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, tiền đồng mất giá khoảng 1,6-1,8% trên thị trường chính thức, những biến động này đã được lường trước và nằm trong dự báo kinh doanh. Do đó, với kịch bản tỷ giá tăng ở mức vừa phải 2-3% sẽ không tác động quá lớn.
Tuy nhiên, nếu tỷ giá không giảm trở lại trong nửa cuối năm hoặc mức mất giá vượt biên độ 5%, theo các chuyên gia, mọi chuyện sẽ khác. Bởi, trong bối cảnh các yếu tố khác không đổi, việc đồng nội tệ suy yếu nếu diễn ra trong thời gian dài với tốc độ cao có khả năng sẽ gây ra lạm phát do giá hàng hóa tăng.
“VND mất giá 7-8%, giá cả hàng hóa bên ngoài có thể tăng tới 10-15%, kéo theo lạm phát, lãi suất tăng”, chuyên gia kinh tế, GS. Đinh Trọng Thịnh (Đại học Thương mại) nói. Ông phân tích Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa, khi giảm giá đồng nội tệ có thể kích thích xuất khẩu nhưng mặt trái khiến giá cả hàng hóa tăng, kinh tế vĩ mô diễn biến sẽ phức tạp.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng kịch bản lạm phát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ngoài giá cả. Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ để giữ mục tiêu tỷ giá biến động 2-3%.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán VPBankS cho biết tỷ giá thường biến động dưới khoảng 2% mỗi năm.
“Nếu giữ ổn định ở mức này, nền kinh tế sẽ không chịu nhiều tác động”, ông Sơn đánh giá, thêm rằng VND mất giá nhẹ có thể hỗ trợ phần nào cho xuất khẩu trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá sâu như đồng KRW của Hàn Quốc, JPY của Nhật, THB của Thái Lan, Ringgit của Malaysia hay EUR.
Với trường hợp tỷ giá biến động trên 3%, ông Sơn cho hay nền kinh tế sẽ chịu tác động lớn nhưng khả năng này không nhiều. Chuyên gia dự báo tỷ giá năm nay sẽ tiếp tục giữ ổn định nhờ triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hạ lãi suất ở nửa cuối năm, thặng dư thương mại, kiều hối và dòng vốn FDI tăng trưởng dương.