Bộ Tài chính cho biết, đến cuối tháng 8, giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước đạt 299.447 tỷ đồng, tương đương 39,6% kế hoạch. Các bộ ngành, địa phương dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gồm: Ngân hàng Phát triển, Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Đồng Tháp, Long An.
Trong tổng vốn đầu tư công giải ngân, vốn trong nước đạt 292.186 tỷ đồng, đạt hơn 40,1% kế hoạch, vốn vay nước ngoài đạt 7.260 tỷ đồng.
Đã có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%. Các bộ ngành có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%).
Các địa phương dẫn đầu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gồm: TP. Hải Phòng 76%, tỉnh Tiền Giang (62,12%), tỉnh Long An (66,18%) và tỉnh Đồng Tháp (66,94%).
Là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, hết tháng 8, Hải Phòng giải ngân hơn 10.200 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch. Ngay từ đầu năm 2023, Hải Phòng tập trung tối đa nguồn lực cho các dự án quan trọng góp phần đắc lực cho sự phát triển của thành phố, của vùng. Đặc biệt, TP. Hải Phòng đã lập 4 tổ công tác do 4 phó chủ tịch làm tổ trưởng và tổ chức họp, giao ban, kiểm tra thường xuyên. Những hành vi cố tình gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân đều được các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện xử lý nghiêm khắc.
Để đạt 100% giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư chủ động phối hợp với sở, ngành, huyện, thị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng; chủ động đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, cần bổ sung vốn; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu.
Để thúc giải ngân vốn đầu tư công, 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và các đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh dự án giải ngân tốt, cả nước còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn. Nguyên nhân giải ngân chậm như một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án. Vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu nên các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.