Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh với sức tàn phá khủng khiếp. Trên đất liền những cơn gió quần thảo, thổi tung mái, xô đổ nhà, bứng gốc cây. Trên biển, sóng cao, gió giật mạnh làm nhiều phương tiện tàu thuyền của ngư dân bị chìm đắm. Giữa bão gió, hàng trăm CBCS BĐBP Quảng Ninh đã không quản hiểm nguy vật lộn trên biển với tử thần để tìm kiếm, cứu thoát nhiều ngư dân gặp nạn.
Vượt sóng dữ giành giật sự sống cho ngư dân
Đã 3 tuần từ khi bão số 3 đổ bộ vào địa bàn Quảng Ninh, Thiếu tá Vũ Giang Nam, Đội trưởng, kiêm Thuyền trưởng tàu BP 01-06-42 (Đồn Biên phòng Hạ Long) vẫn nhớ như in giây phút sinh tử vượt sóng dữ cứu sống 2 ngư dân bị đắm tàu trên biển. Là thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm, đã nhiều lần xông pha cứu hộ, cứu nạn giữa dông bão, nhưng lần trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn người mắc kẹt trên biển trong cơn bão số 3 khiến anh Nam cảm nhận rõ nhất ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
“Sáng sớm ngày 8/9, chưa đầy 1 ngày sau khi bão số 3 tan, Đồn Biên phòng Hạ Long nhận được tin báo tại khu vực biển Hòn 2, xã Bản Sen (huyện Vân Đồn) có tàu cá của ngư dân bị đắm, trên tàu có 2 người bị trôi dạt vào đảo đá gần đó. Thời điểm nhận được tin báo, trên vùng biển Vân Đồn sóng, gió vẫn còn rất mạnh, nhưng với suy nghĩ không thể bỏ ngư dân đang gặp nạn, tôi đã xung phong điều khiển, chỉ huy tàu BP 01-06-42 ngược sóng, vượt gió hướng ra vùng biển có ngư dân đang bị mắc kẹt” – Thiếu tá Nam kể.
Xuất phát từ cảng Cái Rồng, chiếc tàu hướng ra biển, gió giật cấp 6-7, những đợt sóng lớn trùm qua con tàu. Người thuyền trưởng vẫn bình tĩnh, vượt qua sự sợ hãi, phối hợp cùng đồng đội điều khiển con tàu vượt qua sóng gió an toàn để cơ động đến địa điểm ngư dân bị mắc kẹt. Đường từ cảng Cái Rồng ra khu vực biển Hòn 2 những ngày trời yên biển lặng đi chỉ mất khoảng 15 phút, nhưng hôm ấy do sóng to, gió lớn, nên tàu phải di chuyển mất gần 2 giờ đồng hồ. Bất chấp nguy hiểm, bằng kinh nghiệm nhiều năm đi biển Thiếu tá Nam vẫn vững vàng điều khiển con tàu vượt qua những cơn sóng dữ để đến địa điểm ngư dân bị mắc kẹt.
Đường ra biển đã khó, nhưng khi tàu đến được vị trí người dân thông báo, lực lượng biên phòng lại không thể liên lạc được với ngư dân, bởi sóng điện thoại khá chập chờn. Khi tìm kiếm quanh khu vực vách đá gần Cái Xuôi (xã Bản Sen), đội cứu hộ mới nhìn thấy xác tàu bị đánh dạt vào đó, nửa chìm nửa nổi. Đi sâu hơn vào khu vực bãi cát của đảo đá, lực lượng cứu hộ đã tìm được 2 người bị nạn. Cả 2 ngư dân người ướt sũng và vô cùng mệt mỏi vì phải chống chọi với cơn bão cả một ngày trời. Lực lượng cứu hộ đã tổ chức đưa 2 ngư dân lên tàu và đưa vào bờ an toàn.
Đến bây giờ, sau 3 tuần được cứu, anh Tạ Văn Tấn (SN 1990) quê ở xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, vẫn không thể tin bản thân mình có thể sống sót sau nhiều giờ vật lộn trên biển. Anh Tấn kể lại: Lúc tàu bị sóng đánh chìm, tôi và một thuyền viên đã bơi vào đảo đá gần vị trí tàu chìm để tránh bão. Lên đảo rồi chúng tôi phải chịu đói và rét nhiều giờ, rất may đến trưa 8/9 thì lực lượng cứu hộ của BĐBP tìm được và cứu giúp kịp thời.
Chạy đua với thời gian để cứu người
Với Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2 (BĐBP tỉnh), những chuyến cứu hộ, cứu nạn ngư dân tàu cá gặp nạn trong cơn bão số 3 là thử thách khó quên.
Sáng 8/9 sau khi cơn bão vừa đi qua, Hải đội Biên phòng 2 nhận được tin báo có ngư dân của nhiều tàu cá bị lật khi đang neo đậu tại hòn Vụng Chùa (hòn Hang Ma) thuộc vùng biển TP Hạ Long. Chạy đua với thời gian để cứu người gặp nạn, Trung tá Nguyễn Văn Hiệu đã trực tiếp chỉ đạo và cùng CBCS trong đơn vị ra khơi tìm kiếm cứu nạn.
Sau gần 1 giờ vượt sóng, cơ động ra khu vực người dân bị nạn, nhưng khi đến nơi thì không tìm được các ngư dân mất tích, sóng điện thoại cũng không có, đơn vị đã chia lực lượng thành nhiều hướng để tìm kiếm ở tất cả các hòn núi, vụng tàu thuyền hay neo đậu.
Kể lại với phóng viên về những giờ phút vật lộn trên biển trong tâm bão cứu người, Trung tá Nguyễn Văn Hiệu vẫn còn nguyên cảm xúc: Đang lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc thì niềm vui như vỡ òa khi CBCS của đơn vị nhìn thấy 1 ngư dân đứng trên núi đá dùng nón để vẫy gọi lực lượng cứu hộ. Ngay lập tức chúng tôi tìm cách tiếp cận khu vực ngư dân mắc kẹt. 11 người (gồm 2 nam, 9 nữ, đều có hộ khẩu thường trú tại TP Hạ Long) được đưa về Hải đội 2 để sơ cứu, chăm sóc y tế sức khỏe ban đầu, sau đó bàn giao cho các gia đình.
Bà Phạm Thị Hồng (SN 1975), ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, là một trong những ngư dân may mắn được cứu sống, kể lại: Đêm 7/9, sóng to, gió lớn đã làm nhiều tàu thuyền của ngư dân chúng tôi đang neo đậu tránh trú bão tại hòn Vụng Chùa bị lật úp. Tình huống bất ngờ, ngư dân chúng tôi chỉ biết bơi vội vào được núi đá gần đó tránh bão. Rất may, đến sáng 8/9 chúng tôi đã được lực lượng BĐBP cứu giúp.
Vừa hoàn thành nhiệm vụ cứu 11 ngư dân bị mắc kẹt trên hòn Vụng Chùa, về đến đơn vị Trung tá Hiệu cùng đồng đội lại nhận được lệnh cơ động ra khu vực đảo Ti Tốp (Vịnh Hạ Long) để phối hợp với tàu của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đưa 43 ngư dân bị mắc kẹt trên biển về đất liền. Vất vả, khó khăn, nhưng xác định rõ quan điểm cứu người là quan trọng nhất, các chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, khẩn trương lên đường. Đến chiều cùng ngày họ đã đưa được 43 thuyền viên vào bờ an toàn.
Với Thiếu tá Vũ Thành Hưng, Phó Thuyền trưởng tàu BP 01-12-02 (Hải đội Biên phòng 2), những ngày tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển sau cơn bão số 3 là những thử thách không thể quên. Liên tục từ ngày 8 đến 13/9, Hải đội Biên phòng 2 đã triển khai 4 xuồng chia thành các hướng rà soát từng góc hang, ngọn núi và từng vị trí tàu thuyền thường hay neo đậu trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long để tìm kiếm cứu nạn, với hy vọng tìm thấy người sống sót.
Thiếu tá Vũ Thành Hưng cho hay: 3 ngày sau bão, hy vọng tìm thấy người sống sót trên biển rất mong manh. Nhưng với tâm niệm nếu không cứu được người sống thì cũng phải tìm thấy xác nạn nhân để giúp gia đình, người thân những người bị nạn có niềm an ủi. Với suy nghĩ như vậy, dù còn rất ít hy vọng và quá trình tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nguy hiểm, nhưng CBCS của đơn vị vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm.
Chia sẻ với khó khăn của người dân trước sự tàn phá của bão số 3, CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai đã bố trí chỗ ăn, ở chu đáo cho 4 hộ gia đình (12 người) nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn TP Hạ Long và đưa 4 thuyền viên tàu hàng (biển số HY 0496) chở 2.666 tấn xi măng từ Ninh Bình ra Quảng Ninh bị đắm vào đơn vị ăn nghỉ, ở chờ trục vớt tàu.
Ông Trần Văn Sơn, Thuyền trưởng tàu HY 0496, kể lại: Khi tàu của chúng tôi đang neo đậu tránh bão tại khu vực đảo Ti Tốp thì gặp nạn và bị chìm. 4 thuyền viên trên tàu đã bơi vào núi gần đó trú tránh. Đến 6h ngày 8/9, chúng tôi được cứu lên một chiếc tàu gỗ, sau đó được tàu của lực lượng cứu hộ TP Hạ Long đưa vào bờ. Các thuyền viên đã được Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai chăm sóc ban đầu và cho ăn nghỉ tại đơn vị để chờ trục vớt phương tiện.
Trung tá Lê Thế Dũng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai, cho biết: Ngoài bố trí ăn, ở cho người dân, sau bão số 3 đơn vị đã triển khai 3 tổ, mỗi tổ 3-5 CBCS thực hiện tuần tra, kiểm soát dọc ven biển, phối hợp với các lực lượng khác tham gia tìm kiếm, cứu nạn những ngư dân còn mất tích.
Nhịp sống đã trở lại bình thường cả trên biển và đất liền ở Quảng Ninh. Những “vết thương” do cơn bão số 3 gây ra đã và đang dần được “chữa lành”. Những người lính biên phòng lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên biển. Nói như Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, có trải qua cơn bão dữ mới thấy quý những ngày sóng yên, biển lặng.