Trong quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM khởi sắc đơn hàng, tăng tuyển dụng lao động… Mới đây, TPHCM triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, tiếp thêm liều “doping” hỗ trợ DN.
Khởi sắc đơn hàng
Công nhân Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (TPHCM) đang tăng ca liên tục để sản xuất đơn hàng. DN tuyển thêm lao động thời vụ. Lãnh đạo DN này tiết lộ, đã có đơn hàng cho cả năm 2024; dự kiến xuất khẩu khoảng 800 – 1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300%. Riêng trong quý I, DN chắc chắn đạt được 20% kế hoạch cả năm.
“Dù hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng nên công ty phải mở rộng quy mô. Ngoài phục vụ thị trường nội địa, các đơn hàng xuất khẩu tăng 2 con số những tháng đầu năm. Các mặt hàng như bún, miến, phở của DN được thị trường Mỹ, Canada rất ưa chuộng” – bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây chia sẻ.
Trong khi đó, bà Kiều Thị Tâm Anh, đại diện Công ty da giày Catlongs cho biết, đơn hàng dồi dào ngay từ đầu năm. Công ty đã nhận đơn hàng đến tháng 8. Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu quý I ở mức 35% so với cùng kỳ năm 2023. “Quý I năm ngoái, DN tăng trưởng âm. Thị trường Đức, Brazil có sức tăng trưởng mạnh nhất, trong đó, giày thể thao được đặt với số lượng lớn” – bà Tâm Anh nói và cho biết thêm, công ty đang có chiến lược đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm đến khách hàng nhiều hơn.
Đến tận nhà ga, bến xe tuyển lao động
Những ngày qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM đã đến tận nhà ga, bến xe tuyển dụng, tư vấn việc làm miễn phí cho người lao động các tỉnh quay lại TPHCM làm việc. Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM, sau Tết, thành phố có nhu cầu tuyển dụng rất lớn với hơn 52.000 vị trí việc làm. Vì vậy dễ xảy ra tình trạng “lừa đảo lao động” của các cá nhân, tổ chức môi giới việc làm. “Người lao động có thể tin tưởng và chúng tôi hoàn toàn giới thiệu miễn phí” – bà Nguyễn Văn Hạnh Thục – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TPHCM nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nhận định, nhiều DN trong Hội liên tiếp có đơn hàng xuất khẩu đủ để sản xuất đến tháng 3 và 4, thậm chí có DN ổn định được đến tháng 6. Lạm phát toàn cầu đang giảm, tồn kho nhóm hàng này trên thế giới cũng giảm nên các đối tác quay lại đặt hàng. Nhiều DN đã tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM đánh giá, giai đoạn khó khăn đơn hàng nhất đã qua. Tín hiệu lạc quan những tháng đầu năm là tình hình sản xuất và thương mại dịch vụ tăng trưởng. Dệt may, da giày, đồ gỗ là nhóm khó khăn nhất cũng đã có đơn hàng đến 6 tháng đầu năm hoặc cả năm.
“Điều này rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu bằng sức mua của thị trường thế giới đã ấm dần và thị trường TPHCM đã có những tín hiệu tích cực. Vì vậy, chúng tôi hy vọng quý I/2024 sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn so với năm vừa qua” – ông Vũ kỳ vọng.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ông Vũ cho biết, sở này đang cùng các cơ quan liên quan lên nhiều kế hoạch giúp các DN hoạt động tốt hơn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay, có ba trụ cột xuyên suốt năm cần ưu tiên thực hiện là hoạt động sản xuất xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh đầu tư công.
Đẩy vốn kích cầu
Chuyên về mật ong và các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu mật ong, năm nay Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên có kế hoạch mở thêm mảng sản xuất trái cây sấy và nước trái cây đóng lon. Tuy nhiên, do không tìm được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý nên phải chuyển sang gọi vốn để thực hiện dự án. Tổng giám đốc Công ty này cho biết, lãi suất ngân hàng đã xuống mức thấp, nhưng DN muốn vay phải tất toán hợp đồng cũ. Vấn đề là DN không có nguồn để tất toán, cũng không dám mạo hiểm vì không có gì bảo đảm trả xong nợ cũ sẽ được xét hồ sơ vay mới.
Tiếp sức DN tiếp cận vốn rẻ phục hồi sản xuất, mới đây, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) và Hiệp Hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho DN thành phố. Nhiều năm trước, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất của TPHCM đã được triển khai và bị gián đoạn trong năm 2021-2022. Đến năm 2023, chương trình chính thức được khởi động qua Nghị quyết 98 và đến cuối năm 2023, HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết 09 xác định rõ những lĩnh vực ngành nghề, đối tượng tham gia…
Theo Kho bạc Nhà nước TPHCM, chương trình kích cầu đầu tư là một trong những chính sách đặc thù của thành phố nhằm khuyến khích DN đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên, chủ yếu là 4 ngành công nghiệp trọng yếu, y tế, giáo dục – đào tạo, sản xuất ứng dụng công nghệ cao…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, mặc dù chương trình triển khai 20 năm qua nhưng cho thấy hai bên vẫn chưa gặp nhau. Lý do, HFIC khó tìm kiếm các dự án tốt, hiệu quả để cho vay dù nguồn vốn dồi dào; còn cộng đồng DN muốn tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi quá khó khăn. Vì vậy, trong lần này, HUBA sẽ sàng lọc và giới thiệu DN tiềm năng, đáp ứng đủ điều kiện cho vay của HFIC tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất; HFIC sẽ tiếp nhận thông tin nhu cầu vay vốn của DN để xem xét cho vay theo đúng quy định được ban hành.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đầu tư mở rộng phát triển của DN rất lớn. Vì vậy chúng tôi khởi động lại chương trình này với cách làm mới. Thay vì trước đây DN tìm đến HFIC để đăng ký vay và HFIC chờ DN đến, thì với sự hợp tác này cả hai đều chủ động tìm đến nhau” – ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc HFIC cho biết, đối tượng tham gia chương trình là DN, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật DN, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập. Mức vốn vay tối đa cho mỗi dự án 200 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ mức 50 – 100% lãi suất cho các dự án tùy lĩnh vực. Thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm.