Chuỗi giá trị nông sản là sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo một quy trình, mà ở đó có sự kết nối của nhiều khâu, nhiều công đoạn sản xuất. Chuỗi giá trị nông sản chính là yếu tố quan trọng để tăng sản lượng, chất lượng, tăng tính cạnh tranh, giá trị nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nông dân.
Công ty TNHH Long Hải (TX Đông Triều) là đơn vị sở hữu chuỗi liên kết khép kín. Vốn là doanh nghiệp KH&CN, Công ty Long Hải sớm làm chủ quy trình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại để đảm nhận một chuỗi liên kết khép kín, hoàn chỉnh, bao gồm các khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Đến thời điểm hiện nay, Công ty Long Hải có năng lực sản xuất 4 tấn nấm tươi/ngày, là một trong những doanh nghiệp sản xuất nấm ăn cao cấp hàng đầu của Việt Nam.
Khoai tây Atlantic có mặt ở đồng đất Đông Triều và trở thành sản phẩm nằm trong chuỗi liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina đến nay đã 11 năm. Hiện diện tích trồng khoai tây Atlantic của toàn TX Đông Triều là gần 200ha, tăng gấp gần 10 lần so với thời điểm mới triển khai chuỗi sản xuất; về sản lượng là trên 1.600 tấn, tăng gấp 12 lần. Chuỗi liên kết khoai tây Atlantic có thể coi là chuỗi liên kết sâu, với nhiều công đoạn, đang mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đặc biệt là người nông dân.
Còn đối với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh nhiều năm qua “bắt tay” với người dân để sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm gạo: Nếp cái hoa vàng, ĐT100, ĐT120. Lợi ích mang lại cho các bên tham gia chuỗi là doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định để sản xuất, kinh doanh, còn người nông dân được đảm bảo thu nhập từ diện tích canh tác mà không lo về đầu ra hay biến động giá cả.
Cùng với các chuỗi liên kết nông sản ở Đông Triều thì chuỗi liên kết sản xuất – sơ chế – tiêu thụ sản phẩm hàu của Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh triển khai thời gian qua cũng được đánh giá cao. Từ lợi thế xuất khẩu chính ngạch sản phẩm thủy sản, năm 2020, trong bối cảnh sản phẩm hàu trên toàn tỉnh đang bị tồn đọng do tác động của đại dịch Covid-19, Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh đã liên kết với một số cơ sở sơ chế hàu và người nuôi hàu tại Vân Đồn để đưa sản phẩm hàu xuất bán sang Đài Loan. Số lượng xuất bán thời điểm cao điểm đạt đến hơn 200 tấn ruột hàu/tháng (tương đương 2.000 tấn hàu nguyên con), cao nhất so với các cơ sở xuất khẩu thủy sản trên địa bàn.
Phải khẳng định liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều giá trị, nhiều lợi ích, thúc đẩy phát triển bền vững, hiện đại và giá trị cao, tuy nhiên số lượng chuỗi liên kết nông sản hiện nay tại Quảng Ninh là không cao. Con số 20 chuỗi liên kết với 59 sản phẩm được xác nhận mà Quảng Ninh đang có còn khá khiêm tốn so với thực tế sản xuất nông nghiệp, cũng như số lượng nông sản giá trị của tỉnh.
Cùng với đó, hiện trạng phát triển chuỗi liên kết nông sản thực tế mới đơn thuần là liên kết sản xuất, chứ chưa phải là chuỗi liên kết giá trị. Các chuỗi liên kết nông sản đã có sự kết nối, sâu chuỗi, ăn khớp giữa các khâu, các công đoạn sản xuất với nhau để tạo ra một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, nhưng không hẳn liên kết giá trị. Thực tế, không phải chuỗi sản xuất hoàn chỉnh nào cũng làm gia tăng giá trị, nói chính xác là giảm chi phí, tăng lợi nhuận như mong đợi, chí ít là tăng lợi nhuận cao hơn so với quy trình sản xuất thông thường.
Từ hiện trạng phát triển chuỗi liên kết nông sản hiện nay của Quảng Ninh cho thấy hoạt động này vẫn còn thiếu và yếu, chưa tương xứng với thực tế sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, tuy nhiên vẫn có dư địa để phát triển. Đây là tín hiệu vui, cho phép đặt kỳ vọng vào sự hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản trong thời gian tới đây, theo đúng mục tiêu của tỉnh đề ra.