Các di tích, cụm di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là không gian chính để cộng đồng người dân địa phương thực hành di sản lễ hội phong phú và đặc sắc của mình.
Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao, trên địa bàn tỉnh, hiện có 636 di tích/cụm di tích, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh, 471 di tích kiểm kê phân loại chưa xếp hạng. Trong đó, TX Quảng Yên có 219 di tích lịch sử – văn hóa, chiếm khoảng 1/3 số lượng di tích trong toàn tỉnh. Đặc biệt, TX Quảng Yên có 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì có 2 lễ hội là Lễ hội Tiên Công và Lễ hội Bạch Đằng diễn ra ở các khu di tích. Ngoài ra, còn các lễ hội với quy mô cấp vùng như: Các lễ hội Đại Kỳ phúc ở 14 đình làng, các hội chùa làng (ở 20 chùa), lễ ra cỗ họ của 23 từ đường dòng họ Tiên Công cùng với 70 hội ở các di tích, đền, miếu, nghè, từ đường dòng họ…
TP Hạ Long hiện có 10 lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội chùa Long Tiên, Lễ hội đền bà Men, Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội Đại Kỳ phúc đình nghè Vạn Yên, Lễ hội đình Giang Võng… phần lớn đều diễn ra tại các di tích. Để phát huy giá trị di sản các lễ hội, TP Hạ Long đang khẩn trương hoàn thiện việc quản lý quy hoạch các điểm di tích, các dự án, công trình liên quan đến cải tạo di tích, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xung quanh lễ hội, đền chùa. TP Hạ Long đang quyết tâm để trở thành thành phố của hoa và lễ hội, bốn mùa đều là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn – Kiếp Bạc có hơn 70 điểm di tích với 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, trong đó Quảng Ninh có khu di tích và danh thắng Yên Tử tại TP Uông Bí và Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần tại TP Đông Triều. Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, căn cứ vào không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Riêng ở Quảng Ninh, liên quan đến Yên Tử và văn hoá nhà Trần có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Cái Bầu. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh các di tích khu vực này để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn.
Một điểm đặc sắc khác nữa là hầu hết các lễ hội như vừa nêu đều có gắn bó mật thiết với không gian biển, nghĩa là nhiều lễ hội được tổ chức tại các di tích trên tuyến biển đảo Quảng Ninh. Việc khơi dậy tiềm năng của các lễ hội nêu trên kết hợp với các giá trị di sản khác sẽ trở thành nguồn lực văn hoá nội sinh và đem lại diện mạo mới, tạo nên thế mạnh trong phát triển kinh tế, cụ thể là du lịch lễ hội, công nghiệp văn hoá, kinh tế di sản và kinh tế biển. Đây là lợi thế để phát triển kinh tế dựa vào di sản kết hợp với ưu thế mà thiên nhiên ban tặng. Trong đó, có việc phát huy giá trị di sản lễ hội trong không gian văn hoá vùng biển đảo Đông Bắc.
Những ngày đầu năm, lượng du khách đổ về các di tích, tham gia các lễ hội trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến gây áp lực lên hạ tầng giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Vì vậy, việc tăng cường quản lý các di tích và lễ hội được đặt ra một cách bức thiết. Sở Văn hoá – Thể thao, chính quyền các địa phương và Ban Quản lý các di tích đã tăng cường tuyên truyền để nhân dân đến chiêm bái thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động di tích lễ hội; kiểm tra thực tế, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống. Do đó, các lễ hội được tổ chức theo đúng bản sắc văn hoá truyền thống, văn minh, trật tự, không còn những hình ảnh phản cảm diễn ra trong lễ hội.