Lễ hội mở cửa biển xã Thanh Lân (Cô Tô) lần đầu được tổ chức, không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân vùng biển mà còn tạo không khí sôi động, thu hút du khách khám phá vùng đất Thanh Lân tươi đẹp.
Lễ hội mở cửa biển xã Thanh Lân được tổ chức ở khu miếu thờ Ngư Ông (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) trong 2 ngày 23-24/2/2024 (ngày 14-15 tháng Giêng). Đây là một trong số ít nơi tái hiện và tổ chức lễ mở cửa biển, nghi lễ quan trọng và linh thiêng của người dân biển mỗi dịp đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân chia sẻ: Là xã đảo, người dân Thanh Lân sống nhờ biển, với 2/3 lao động đi biển, làm ngư nghiệp. Xưa nay, người dân biển Thanh Lân trước khi xuất hành ra khơi họ luôn cầu mong trời yên biển lặng, để có thể cá nặng lưới đầy. Vì thế, đây không chỉ là bà con ngư dân thể hiện niềm tin, sự hy vọng mà còn là dịp để chúng tôi giới thiệu nét đẹp phong tục tập quán ở Thanh Lân, giá trị văn hóa, nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển đảo.
Theo các lão ngư thì trong tín ngưỡng dân gian, trong tâm thức của người dân vùng biển Thanh Lân nhất là những người mưu sinh bằng nghề đi biển, thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, thì cá Ông (cá voi) luôn là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin không thể thiếu của người dân làm nghề biển.
Cá Ông được ngư dân tôn thờ bởi tín niệm về sự giúp đỡ, phù hộ đối với những người đi biển, đặc biệt khi họ gặp nạn giữa biển khơi. Trong dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện về sự giúp đỡ thần kỳ của loài cá này đối với con người. Vì thế, mỗi khi phát hiện cá voi chết, ngư dân miền biển đều chôn cất cẩn thận.
Thông thường, ra xuân, trước khi vươn khơi, các chủ thuyền lại sắm sửa lễ vật để cúng Cá Ông, cúng thuyền, cúng bến… cầu cho mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, khoang lưới đầy tôm cá. Đây là nét đẹp, nghi lễ linh thiêng của ngư dân vùng biển Thanh Lân, Cô Tô; phản ánh tập quán, cuộc sống sông nước của ngư dân từ xa xưa.
Điểm nhấn lễ hội mở cửa biển tại xã Thanh Lân là các nghi lễ đặc sắc diễn ra tại miếu thờ Ngư Ông. Để lần đầu được tổ chức quy củ, đi vào nền nếp cho các năm sau, Ban tổ chức lễ hội đã tham vấn ý kiến của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và sự hỗ trợ các nghi lễ của phường Phong Cốc (TX Quảng Yên).
Buổi lễ được bắt đầu với các hoạt động khai hội, lễ tế cá Ông, thần Biển và lễ dâng hương thể hiện lòng biết ơn với biển, với trời đất và các đấng thần linh. Không chỉ vậy, lễ hội còn có nhiều hoạt động phong phú như: Chương trình nghệ thuật, triển lãm tranh về bảo vệ môi trường, các trò chơi dân gian và tham quan các gian hàng trưng bày đặc sản địa phương. Sau lễ mở cửa biển, lễ tế thủy thần, ngư dân mới bắt đầu ra khơi đánh bắt thủy, hải sản.
Theo đó, trong 2 ngày lễ hội, du khách và người dân được chứng kiến và hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của ngư dân vùng biển đảo Thanh Lân. Lễ hội có điểm nhấn là lễ tế đặc sắc, lễ xuất phát đoàn thuyền ra khơi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển đảo tiền tiêu Cô Tô.
Thanh Lân là vùng biển đảo tươi đẹp, yên bình, người dân hiền hòa, mến khách. Hiện xã đảo có các sản phẩm du lịch đặc sắc như: Lặn biển ngắm san hô, tour thăm đảo, đang xây dựng sản phẩm du lịch cắm trại trên bãi biển… Với nét đẹp, đặc sắc được phục dựng công phu, lễ hội dự kiến sẽ tổ chức quy mô lớn hơn, rộn ràng với nhiều hoạt động hấp dẫn hơn trong các năm tới. Đây sẽ là nét đẹp văn hóa, lễ hội đầu xuân thu hút người dân, du khách về tìm hiểu cảnh đẹp, văn hóa, con người vùng biển đảo tươi đẹp Thanh Lân.