Sáng 2/1, Sở TN&MT triển khai Hội nghị lấy ý kiến về dự án “Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Dự án này được UBND tỉnh giao Sở TN&MT thực hiện từ cuối năm 2021 theo Quyết định số 3145/QĐ-UBND ngày 17/09/2021 của UBND tỉnh, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Những năm gần đây, lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có xu hướng gia tăng. Theo thống kê vào năm 2020, lượng phát thải khí nhà kính trên toàn tỉnh là gần 49.600 tấn CO2; năm 2030, dự kiến lượng phát thải khí nhà kính toàn tỉnh là gần 123.600 tấn CO2, trong đó phát thải khí nhà kính ở lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 90%, tiếp theo là ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và chất thải.
Từ cơ sở những thông số trên, Sở TN&MT đưa ra 24 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng dụng trong sản xuất gia dụng, sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, giao thông vận tải, sản xuất năng lượng giảm phát thải khí nhà kính.
Tại hội nghị, các chuyên gia phản biện đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội; đại diện các sở, ngành, địa phương, Ban Quản lý Khu kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc; đại diện khối doanh nghiệp nhiệt điện và khối doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng… trên cơ sở thực tế sản xuất tại đơn vị, địa phương mình cùng với những nghiên cứu nghiêm túc về phát thải khí nhà kính trên địa bàn đã tham góp những ý kiến trúng, đúng, trách nhiệm về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, khẳng định: Những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng để Sở TN&MT hoàn thiện dự án, khẳng định sản phẩm của dự án có tính thực tiễn, hiệu quả, chất lượng cao và đưa ra được những giải pháp cụ thể, góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính như tỉnh Quảng Ninh đã đề ra.
Kết quả dự án “Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được kỳ vọng sẽ là tiền đề để tỉnh theo dõi và thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu chung của quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên COP 26 (năm 2021) cũng như các cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại COP 28 (năm 2023).