Trước khi có nhóm anti hoa hậu Bùi Thị Xuân Hạnh 12.000 thành viên, nhóm anti hoa hậu Ý Nhi cũng lên tới 650.000 người. Phải chăng đang có một thứ văn hóa kỳ lạ: hễ không thích là lập nhóm anti?
Sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023, Bùi Thị Xuân Hạnh đang trở thành tâm điểm chỉ trích của một bộ phận cư dân mạng.
Trên Facebook, người đẹp còn bị lập nhóm anti hơn 12.000 thành viên. Một nhóm anti khác cũng có gần 5.000 thành viên. Những con số này đang ngày một tăng.
Trên những hội nhóm dạng này, các thành viên (khá đông thành viên ẩn danh, thành viên sử dụng nick ảo) mặc sức bình luận, thậm chí thóa mạ, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm và danh dự người khác, vượt qua sự yêu ghét thông thường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà thơ, nhà báo Hữu Việt – phó trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trong nhiều năm – cho rằng cần xác quyết rằng đó là hành vi “phản văn hóa” ở quy mô số đông.
Theo ông, dù đã có sự phản đối mạnh của dư luận, cơ quan quản lý đã vào cuộc nhưng hành vi này vẫn được lặp lại, chứng tỏ có chủ ý.
Đó không hẳn chỉ là chuyện thích hay không thích nữa mà những người này dường như mang “khoái cảm tâm lý” hạ nhục người khác, “giải tỏa” những bức bối cá nhân nhưng lại nhắm vào một cá nhân cụ thể.Ông Hữu Việt nói
Tất nhiên, phản ứng trái chiều là điều không thể tránh với một người của công chúng. Góp ý của khán giả nhiều lúc cũng để người đẹp các cuộc thi hoàn thiện hơn.
Song cùng với sự “quá khích” theo hướng tiêu cực như các hội nhóm anti đã thể hiện, phải đặt ra câu hỏi: Quyền lực của khán giả đến đâu là đủ?
“Sự vùi dập đã xảy ra rồi, và nạn nhân trong trường hợp này đều là những cô gái trẻ. Có người không dám xuất hiện trước công chúng, sức khỏe suy sụp, gia đình bị tổn thương. Có người phải chọn cách đi “biệt xứ” một thời gian” – nhà thơ Hữu Việt bày tỏ.
Theo ông, đúng là ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình trước một sự việc, trong trường hợp này là các cuộc thi sắc đẹp mà gần đây gây khá nhiều tranh cãi.
Nhưng vùi dập con người bằng cách xúc phạm nhân phẩm, dù đó là bất cứ ai, đều là hành vi không thể chấp nhận được.
Cá nhân nhà thơ Hữu Việt nghĩ “không nên vội vã đánh giá một nhan sắc vừa bước ra khỏi cuộc thi, hãy bình tĩnh theo dõi, chờ đợi và thử đặt niềm tin vào hành trình trưởng thành (cả về thể chất và trí tuệ) của một cô gái trẻ”.
Ông Hữu Việt cũng lưu ý bản thân cô gái đẹp hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, từ sự hỗ trợ từ ban tổ chức, những chuyên gia, người thân và gia đình để cô vượt qua “sức nặng của vương miện”, trở thành người sẽ đóng góp có ích cho cộng đồng.