Ngày 26/3, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về công tác rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đối với đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện từ thời điểm tháng 11/2022 đến nay cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Qua nghe báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và thảo luận tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh có nhiều chủ trương rất quyết liệt trong việc lập lại trật tự, kỷ cương, siết chặt quản lý trong lĩnh vực đất đai nhưng đến nay việc tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu, chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu ở cấp huyện, sở, ngành. Việc phát hiện các dự án có vi phạm, sai phạm để xem xét xử lý theo quy định pháp luật còn chậm và chưa hiệu quả; vẫn còn tiềm ẩn vi phạm, sai phạm.
Nguyên nhân được chỉ ra do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa sát sao; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của một số cấp chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý đất đai, quy hoạch yếu kém. Thanh tra nhà nước ở cấp huyện nhiều nơi chưa được chú trọng; thanh tra chuyên ngành còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Về nhiệm vụ thời gian tới, đối với việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đối với đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện quản lý, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trực tiếp đồng chí Bí thư cấp ủy chỉ đạo, Phó bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của cấp huyện và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát.
Trường hợp địa phương không phát hiện sai phạm hoặc báo cáo sót, báo cáo không trung thực trong khi trên thực tế đã có vi phạm, sai phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng; sau này nếu thông qua tiếp công dân hoặc qua các cơ quan chức năng phát hiện, dư luận báo chí nêu, có tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thất thoát, lợi ích nhóm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, trước BTV Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo rà soát. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo rà soát từng trường hợp cụ thể nằm trên địa bàn của địa phương. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý KKT tỉnh phối hợp rà soát kỹ từng trường hợp, phân loại rõ từng dự án, đánh giá đúng bản chất để gắn trách nhiệm của cấp huyện trong việc đề xuất với UBND tỉnh và các cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo thực thi hiệu lực hiệu quả, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất giao Ban Nội chính Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, tổng hợp nắm bắt tình hình của cấp huyện, sở, ngành đối với việc thu hồi đất các dự án chậm tiến độ để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống tham những, tiêu cực tỉnh. Giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu có liên quan trong việc chấp hành các chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh để kịp thời xem xét trách nhiệm, kịp thời thực hiện kiểm tra cách cấp và kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Công việc này phải được gắn với nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Cũng trong ngày, Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận số 49-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Bằng các giải pháp tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, đa số các chỉ tiêu, mục tiêu về xây dựng xã hội học tập đặt ra đến năm 2025 đều đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển đa dạng, phong phú cả về hình thức và nội dung, thu hút và khích lệ tinh thần thi đua học tập của mọi tầng lớp nhân dân. Các trung tâm học tập cộng đồng đã phát huy vai trò, trách nhiệm triển khai có hiệu quả các hoạt động về công tác xây dựng xã hội học tập. Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đa dạng, có đủ loại hình, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Các mô hình học tập trong xã hội, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn tỉnh được quan tâm, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả, phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Cho ý kiến nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để xây dựng Quảng Ninh phát triển bền vững, cần phải quan tâm đặc biệt hơn nữa sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phải trở thành tỉnh học tập, có ít nhất 2 thành phố tham gia mạng lưới học tập toàn cầu và 100% tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, cơ quan trog hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đều phải là đơn vị học tập. 100% gia đình cán bộ, đảng viên, CCVC phải là gia đình học tập tiêu biểu. Mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC thực sự là tấm gương học tập suốt đời.
Để thực hiện mục tiêu này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư để mỗi người dân, gia đình nhận thức rõ việc học tập suốt đời; kịp thời biểu dương những gương sáng tự học, gương tự học thành tài, gương phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hiệu quả lao động. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội quan tâm hơn nữa về nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, tỉnh học tập, đơn vị học tập. Chăm lo đúng mức cho Hội khuyến học để thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình học tập, chú trọng đào tạo từ xa và tận dụng cơ hội chuyển đổi số để thúc đẩy xã hội học tập. Đổi mới cơ chế tài chính của tỉnh gắn với đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đơn vị học tập. Trong đó, cần chỉ đạo xây dựng phát triển mô hình, đơn vị học tập ở cấp huyện, ở cơ quan, đơn vị tổ chức, mô hình tỉnh học tập theo tiêu chí của cấp tỉnh, hướng dẫn của Trung ương để xây dựng lộ trình với các giải pháp cụ thể. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về nhiệm vụ trong tuần tới cùng nhiều nội dung quan trọng khác.